VN88 VN88

Đã xưa cũ lắm rồi

Cùng lớp, nhưng Tâm và Loan chẳng phải chỗ bạn bè. Loan không được tập thể ưa. Mà tập thể thế nào thì Tâm thế nấy. Chẳng vì một lý do rõ ràng, Loan luôn bị mọi người để ý. Bản thân Loan chắc cũng khổ tâm và đã cố giữ sao cho khỏi lạc khỏi nếp chung, mà không được. Nhìn Loan người ta thấy rằng ở cô có cái gì đó là lạ khang khác không y hệt mọi người. Cách để tóc, cách ăn mặc chẳng khác ai mà vẫn như có hàm một sự diêm dúa thầm lén. Da dẻ trắng trẻo, mềm dịu. Cách nói và dáng đi đều thiếu vẻ mộc mạc. Tâm nhớ là ngay từ bữa đầu vào lớp, Loan đã vấp phải lời xì xào của những bạn cùng bàn rằng đi học mà rẩy nước hoa đầy người như quân tư sản. Cứ bước đi một bước là Loan liền để lại đằng sau mình cả một vệt dài hương thơm. Nhưng cô một mực thề trước lớp là chưa hề bao giờ xoa xức lên mình dù chỉ là một tỵ ty thôi bất kỳ một thứ xa xỉ phẩm nào. “Mà thực tình là tôi không cảm thấy gì cả, – Loan nói, rân rấn nước mắt – Có cảm thấy cũng không biết làm thế nào. Tự như vậy chứ tôi không cố tình…”.
Với Loan, Tâm hết sức gìn giữ một dáng vẻ hững hờ và xa cách. Ðến nỗi trong suốt bao nhiêu lâu cùng nhà, cùng lớp thế mà hai đứa chưa từng một lần vào chơi nhà nhau. Chạm nhau trong sân, trong bếp, nơi máy nước, nơi cầu thang, thường là Tâm giả tảng chẳng thấy, lờ đi, hoặc không thì cũng chỉ qua quýt nửa vời vài ba lời gì đó trống không. Dửng dưng, lãnh đạm một cách tồi tàn.

Hôm đưa đám cha của Loan, cả lớp Tâm góp tiền mua được một vòng hoa. Một cuộc tang ma lèo tèo. Thân quyến người chết mỗi một mình Loan. Người đến viếng thưa thớt. Tâm cũng chỉ nói được lý nhí vài lời gì đó nhạt thếch, đại khái là để chia buồn. Mai táng cha xong, Loan bỏ học. Cũng rời bỏ luôn căn phòng dưới gậm cầu thang. Người ta bảo rằng cô nhập lực lượng thanh niên xung phong. Vào đâu đó trong khu Bốn, hay là bên Lào. Cô đi chẳng gửi lại một lời nào với bạn bè.
Nhưng từ ngày Loan đi, bỗng dưng tình bạn chưa bao giờ có với Loan lại khiến Tâm chao đảo. Bỗng dưng anh trở thành đa cảm, và vô cớ mà tâm trí anh chùng hẳn xuống trong uỷ mị. Thậm chí có đêm Tâm nằm mộng thấy Loan. Một làn hương mơ hồ như là hương thơm từ giấc mơ cứ mãi vương vấn trên căn gác xép.
Mẹ anh có lẽ đã âm thầm hiểu thấu lòng anh hơn cả bản thân anh. Chính là mẹ đã thuyết phục cha ký vào lá đơn tình nguyện thứ tư. “Ðừng nên ngăn nữa mình ạ. Nó mong đi bộ đội cơ mà. Và nó thương nhớ con bé ấy. Yêu nước thì cũng như là yêu nhau, có khác gì đâu mà ngăn. Mà ngăn làm sao được hở mình”. Mặc dù cha mẹ nói chuyện rất khẽ tiếng, nhưng vì nằm ngủ ở gác xép ngay sát bên trên nên vào lúc nửa đêm khi bất chợt thức giấc, Tâm nghe thấy.
Cha mẹ cùng ký. Và cả đêm, Tâm nghe tiếng mẹ khóc khe khẽ. Tiếng cha rầu rầu an ủi mẹ. Thỉnh thoảng lại bật ho.

Sáng hôm sau cha cùng Tâm tới Khu đội. Dọc đường, ông bảo: “Cha mẹ muốn con học lên, vào đại học, với lại thấy sức vóc con yếu ớt, tâm tính cũng còn non dại, nên dùng dằng không ký đơn cho con. Giờ cha thấy lòng con đã quyết… Vậy cũng là phải thôi con ạ. Làm trai sinh ra gặp thời loạn lạc không thể dửng dưng với vận nước. Nước mất thì nhà tan, ấy là châm ngôn truyền đời… Có điều, con ạ, cha không hoàn toàn an tâm. Cha sẽ chỉ an tâm nếu như biết chắc được rằng con quyết ý ra đi là bởi con thật sự thấy con đường mình chọn là đúng với đời con chứ không phải chỉ vì con muốn thoát khỏi tai tiếng gia đình, muốn chạy khỏi những phiền muộn riêng tư…”.
Chiếc đồng hồ treo tường thong thả gõ chuông. Ông chủ quán Ðịnh Mệnh bật công tắc đèn. Ngọn đèn đỏ đòng đọc, trông rõ sợi tóc trong bóng. Ngoài trời, màn mưa mờ mỏng như lớp sương vàng nhạt sa phủ trên thành phố, làm nhoà ánh sáng những vệt đèn đường.
– Ta về thôi con nhỉ – cha Tâm nói và vẫn ngồi yên –
Thế là đã qua mất một ngày… Và vậy là mai con đi. Mai con
đi rồi…
Cái buổi chiều tối ấy, cái quán càphê ấy và nói chung, tất cả những ngày xưa cũ ấy sống mãi suốt đời Tâm, nhưng chắc chắn là anh sẽ không bao giờ muốn nhớ lại làm gì nếu như không vì muốn có một lần trở về với tình cha con xưa cũ và nhiều đau đớn của một thời.

(Truyện ngắn cực hay tại Truyendammy.vip)

VN88

Viết một bình luận