Nhưng mà, chị hoài công lục lọi những khuôn mặt người như thế để làm gì nhỉ? Giả dụ như biết đích xác ai đã đưa tờ bạc giả thì chị có dám tìm người ta căn vặn để đổi trả khi mà đã qua mấy ngày rồi không? Thanh lùng bùng quá. Cả đời chị thua thiệt cũng vì nhút nhát và rụt rè, ít khi nào dám tra hỏi cặn kẽ ai điều gì đừng nói là lừa người khác. 100 ngàn bỗng chốc hóa tờ giấy lộn, lẽ nào Thanh phải lãnh lấy hậu quả này?
Lẽ ra Thanh đã có một buổi chiều cuối tuần vui vẻ với bạn bè trong quán cà phê hay trong một buổi dã ngoại nào đó vừa với mức sinh hoạt phí ít ỏi của mình. Hoặc cô có thể mua cuốn sách mà mình ao ước, một cái áo khoác nhẹ cho mùa đông, một hộp thuốc bổ… chỉ với số tiền đó. Nhưng thôi, không có cũng được. Vấn đề ở chỗ, chẳng lẽ mình là một nạn nhân ngoan ngoãn buông tay quy hàng của trò tráo đổi thật giả này? Biết trách ai đây hở trời? Thanh dừng lại, cô lôi tờ giấy bạc đó ra ngắm nghía, thật ra với thị lực 6/10 như cô thì không thể nhận ra nó khác chỗ nào nếu chỉ cầm lên tay và nhìn lướt qua. Nhưng chắc gì nó là tiền giả như lời con bé ấy nói? May lỡ chỉ là một sự nhầm lẫn chủ quan của nó hay là lỗi kỹ thuật của máy in thì sao? Có thể lắm, ban nãy vì mình bối rối quá nên mới tin lời nó, chứ cái gì cũ mà lại chẳng mòn bớt đi nói gì cái hình in trên giấy? Thôi chắc đúng rồi, cái con bé ấy tệ thật, thế này mà nó dám bảo là tiền giả báo hại mình tiếc của nãy giờ.
Trên đường về, Thanh tạt vào sạp báo quen lấy một tạp chí thời trang, giá mười ba ngàn. Tờ giấy bạc 100 ngàn đang bắt đầu cựa quậy trong túi Thanh, cô đã đưa tay chạm vào nó. Có thêm một người khách bước vô mua báo đứng cạnh cô. Chỉ có vậy mà Thanh chột dạ, cô rút tờ 20 ngàn ra trả, quay đi mà lòng tràn ngập thất vọng và tiếc nuối. Sao mình lại không dám chống trả cái sự phi lý mà bỗng dưng rơi trúng vào đầu mình?
Không thể ném tờ bạc này vào chỗ người lạ được. Nếu phát hiện ra nó thực sự là thứ giả người ta sẽ lập tức nghi ngờ chị là kẻ gian và lắm điều phiền toái dẫn theo ngay. Họ có thể làm ầm lên, có thể sỉ nhục chị, có thể áp giải chị tới nhà chức trách. Ở chỗ quen thì khác, người ta có thể châm chước vì nhân thân của chị tốt không tiền án tiền sự, chị có thể chống chế và rút lui an toàn mà còn nhận được sự thông cảm của họ.
Thanh đi chậm lại trước một nhà thuốc tây, mấy năm trước chị là thân chủ ruột của nó. Người đàn ông chủ tiệm này là một lang băm thứ thiệt mà có lần chị suýt thiệt mạng vì bị sốc với thứ thuốc kháng sinh mà ông ta dứt khoát là cần thiết đối với chứng bệnh của chị. Lần ấy, chị bỏ qua vì nghĩ mình cũng có lỗi, nhưng sau nghe quá nhiều chuyện không hay về tài thăm khám cho thuốc của ông ta thì chị thôi hẳn không ghé lại tiệm thuốc của ông ta nữa. “A, chào người đẹp. Anh cứ tưởng em du lịch xuất cảnh đâu mất rồi, sao lại gặp nhau đây?”. Thanh cười gượng “Cho em lọ vitamine E”. “Có ngay, E thiên nhiên đây em ạ, đẹp da chống lão hóa. Chỉ có năm mươi hai ngàn uống một tháng”. Thanh cắn răng rút tờ 100 ra, “Vâng, em gửi tiền”. Gã cười cười vỗ nhẹ lên bàn tay Thanh, “Trông em xanh xao quá, coi chừng mất ngủ thiếu máu, phải lấy thêm thuốc uống bổ sung đó nghe!”. Thanh cố mỉm cười, mắt không rời nhìn theo tay gã đang giữ tờ giấy bạc của cô. Gã nhìn nó, rõ ràng là có nhìn nó trong hai giây rồi ném tọt nó vô cái ngăn kéo đầy ắp những tờ giấy bạc đủ loại, nhoay nhoáy đếm tiền thối. Một cảm giác tội lỗi nhói lên trong Thanh nhưng cô kịp thời giữ nó lại. “Cám ơn anh, chào anh ạ!” – Rồi cô thong thả quay đi.
Thế là xong, Thanh đã cất được cái gánh nặng chình chịch u ám từ sáng tới giờ. Cô cảm thấy lòng mình trống rỗng không vui không buồn, không ân hận áy náy cũng chẳng hoan hỉ thắng lợi. Tờ bạc phiền toái đó đã đổi chủ. Nếu đúng là giả, người ta sẽ lại phát hiện ra nó, và cũng như Thanh, họ sẽ mau chóng tìm cách tống khứ nó đi càng sớm càng tốt. Chỉ có điều Thanh biết chắc chắn, nó vẫn sẽ lưu hành ngang nhiên với cái giá trị mà nó đang mang trên mình, bất kể mọi sự nghi ngờ giả thật. Trừ phi một kẻ lơ mơ nào đó mang nó đi nộp vào Ngân hàng Nhà nước, khi đó thân phận nó sẽ bị bại lộ, và khổ chủ cuối cùng này mới là người ôm mối hận tiền mà không biết than thở chia sẻ cùng ai.
Thanh về nhà. Cô sà vào bếp kể cho mẹ và lũ em nghe là mình vừa bị dính một tờ 100 ngàn tiền giả. Mọi người tròn mắt ngạc nhiên và giận dữ xúm nhau hỏi han, hối thúc cô lấy ra cho họ xem. Thanh thủng thẳng, “Xài lại rồi!”. Ai nấy ồ ra cười, xôn xao, tranh nhau bình luận. “Thì phải vậy thôi, chẳng lẽ lại bỏ đi!”. “Thôi chết, từ giờ phải cẩn thận hơn mới được”. Thanh không nói gì thêm, lẳng lặng bỏ lên phòng mình.
Tối hôm sau đi chơi với người yêu Thanh ngại ngần không muốn nói ra, dù từ trước tới nay anh là người duy nhất cô chẳng hề giấu giếm điều gì. Mãi, khi anh gửi cho cô ba tờ giấy bạc một trăm ngàn nhờ mua giùm mấy ký mực khô để gửi về quê làm quà cho gia đình, Thanh mới đắn đo dặn dò anh, từ nay nhận mấy tờ giấy bạc lớn phải lưu ý nhìn cho kỹ để khỏi bị lừa, rằng tiền giả thì giấy mỏng hơn, hình nhòe hơn, không có hình chìm, không có sớ giấy, vân vân và vân vân. Bắt gặp vẻ dò hỏi giễu cợt trong mắt anh, Thanh chữa thẹn bằng cách vờ trịnh trọng cầm ngay mấy tờ bạc anh đưa soi lên bóng đèn. Chứ còn sao nữa, thật giả lẫn lộn sờ sờ bên cạnh ai mà biết được!
(Truyện ngắn cực hay tại Truyendammy.vip)