VN88 VN88

Chuyện yểu nương tái thế

Cả năm nàng cơ thiếp của khách cũng đều đem tặng vật ra cho, và ân cần gửi lời thăm hỏi đến Yểu Nương.
Lúc Sinh về đến thuyền của mình thì chiếc thuyền của khách cũng vội vã khởi hành. Mái chèo rẽ sóng như phi. Chớp mắt không còn thấy hình tích chi nữa.
Sinh đem truyện kỳ dị vừa gặp tường tận thuật lại cho Yểu Nương nghe.Nàng cảm thấy mơ hồ như từ một kiếp xa xôi nào khác, lại còn trách Sinh đặt điều bịa chuyện để đánh lừa nàng.
Sinh bảo :
-Lời nói còn có thể bịa được, chứ những tặng phẩm này đâu có thể ngụy tạo ra được !
Rồi mở rương ra coi.Thấy trân châu bảo vật chất đầy, chẳng biết gọi tên là gì.
Sinh bèn đem một vài vật đến một tiệm kim hoàn ở cổng Ngô Môn bán được ngàn lạng.
Lúc hai người đến Hán Khẩu, gặp dịp một viên kinh quan trong triều tìm mua một viên ngọc lớn, đã từng đến tận Quỳnh Đảo Tân Châu mà không mua được.
Sinh đem ngọc ra cho coi.Viên kinh quan ngạc nhiên sửng sốt khen thầm, liền bỏ năm vạn tiền ra mua.Tuy thế, tặng vật của khách cho Sinh cất dấu vẫn còn nhiều. Chàng đem một số tiền lớn đến Hán Khẩu thuê nhà cửa và mở tiệm buôn bán ở nơi thị tứ kiếm lời. Sắp xếp nhà cửa xong xuôi, Sinh mới đến Võ xương để tìm người chú của Yểu Nương, nhưng người chú của nàng mấy hôm trước đó vì việc công đã đi Dự Chương rồi. Từ khi, Sinh bỏ nghiệp nho để làm thương mại, buôn bán lời một thành ba, trở nên giầu sang sung túc, ăn uống hưởng thụ ngang với bậc công hầu. Nữ tì, nam bộc thường đầy nhà. Sinh lại đem tiền đến Tô Châu mua bốn người tì nữ nữa, đều thuộc hạng nhan sắc diễm tuyệt về nhà nhờ nhạc sư truyền dậy ca hát, và sáng chiều học thêm chữ nghĩa, vì thế họ hiểu thêm về âm luật, kinh sử.
Yểu Nương vốn biết chữ, nay lại biết ngâm thơ làm phú, cùng chàng xướng họa, khiến Sinh tâm mãn ý túc, tự nhủ :
-Bây giờ ta mới thực hiện được nguyện ước ngày xưa, thật là không ngờ.Tuy thế, ngôi nhà cũ không thể không tu sửa, để sau này về già còn có chỗ an dưỡng.
Rồi sai một người nô bộc tài giỏi mang tiền về Kim Lăng để sửa lại ngôi nhà cũ cho thật to lớn.
Một hôm, Sinh đến ngao du ở Hoàng Hạc Lâu, đi mỏi chân, bèn ngồi xuống một hiên đá nghỉ ngơi, thấy trước mặt có một thiếu phụ quý phái , khoảng bốn chục tuổi, ngồi trong một chiếc kiệu đi tới.Thiếu phụ trông vừa xinh tươi vừa phong lưu văn nhã, đẹp chẳng kém chi nàng ái phi họ Từ của Lương Vũ Đế. Đằng sau, lại có đám a hoàn theo hầu.Trong đó, Sinh thấy có cả đứa nữ tì xấu xí ngày trước. Nó dường như cũng nhận ra chàng, nên đến bên người thiếu phụ ghé tai thì thào mấy lời.Thiếu phụ tiến đến trước mặt Sinh, vén áo nghiêng mình thi lễ, nói :
-Chàng là rể bên ngoại nhà ta, ngày trước lấy cháu gái ta, sao không cho người mai mối đến hỏi, nhà cửa ở đâu, ta có thể ghé thăm cho biết được chăng ?
Sinh nghe hỏi, lòng cảm thấy ngượng ngùng, không biết trả lời ra sao, thì thiếu phụ đã sai bộc tòng mang kiệu đến, cùng Sinh đồng hành.
Lại bảo với Sinh :
-Tệ xá cũng gần đây thôi, xin mời chàng ghé thăm trước, sau này họ hàng qua lại, cũng dễ nhận ra cửa nẻo.
Đi chừng hơn nửa dậm, thì phu kiệu dừng lại. Sinh thấy nhà cửa nguy nga.Rõ ra là thế gia đại tộc.Bên trong cửa có bốn năm người đàn ông đứng sẵn để chào đón khách, Sinh bước lên đại đường cùng thiếu phụ tương kiến. Chàng cung kính lấy hàng tiểu bối mà hành lễ. Thiếu phụ dẫn chàng vào trong nội thất, rồi sai tì nữ gọi người con gái là Tú Cô ra. Khoảnh khắc, nghe có tiếng bội ngọc leng keng. Rồi mùi sạ lan thơm lừng xông vào mũi. Một người con gái dáng đẹp như ngọc, tuổi khoảng hai tám, bước đến bên cạnh Sinh.
Người thiếu phụ bảo :
-Đây là con gái ta, hai người có thể gọi nhau bằng anh em cũng được !
Sinh liếc mắt nhìn, thấy hoa nhường nguyệt thẹn, tuyệt thế giai nhân.Sau đấy, thiếu phụ sai bầy tiệc khoản đãi Sinh.Chàng được cả hai mẹ con song song bồi tọa, lần lượt rót rượu khuyên mời. Chàng cũng tận tình đánh chén no say.
Người con gái đưa sóng mắt như nước hồ thu, liếc nhìn Sinh rồi dùng những ngón tay thon nhỏ của nàng véo vào tai chàng nói đùa :
-Này ! Tớ mời mà không uống thì tớ đổ rượu cho đấy .
Sinh mỗi lúc mỗi cảm thấy thần hồn điên đảo, bất giác say mèm, rồi nằm gục xuống tràng kỷ. Mãi cho tới lúc trời tối lờ mờ mới tỉnh lại.Chàng thấy gió lạnh như kim châm, sương rơi đầy đất, bóng trăng chìm bên vách núi.Trong nội thất, cả người lẫn vật đều không thấy đâu, còn chàng, té ra đang nằm trên một nấm mồ hoang, mới biết là gặp ma, bèn thất thểu tập tễnh trở về nhà.
Chàng bước vào trong buồng tìm Yểu Nương, nhưng nàng cũng biến đâu mất, chỉ thấy trên bàn có một lá thư từ giã.
Sinh buồn chán đến phát cuồng, xuống tóc, bỏ đi vào núi .
Rốt cuộc, chẳng ai biết cuộc đời Sinh sau này ra sao cả.
_
Vài hàng về tác giả :
Vương Thao (王 韜 )
Vương Thao (1828-1878) tự là Trọng Thao, hiệu là Thiên Nam Độn Tẩu, người Trường Châu tỉnh Giang Tô, là học giả và nhà văn thời Thanh Mạt.Năm 18 tuổi ông đỗ tú tài, sau đo thi nhiều lần không đậu, ông bèn bỏ thi cử.Năm 22 tuổi , cha ông qua đời, ông đến Thượng Hải làm trong Mặc Hải Thư Quán với một người Anh trong ba chục năm.Nhân thế đươc tiếp xúc rộng rãi với các tư tưởng Tây phương. Khi xẩy ra cuộc nổi dậy của Thái Bình Thiên Quốc, ông từng nhiều lần viết thư cho nhà đương cuộc Thanh triều hiến phương lược ” bình tặc “. Năm 1862, ông về Tô Châu thăm mẹ bịnh, rồi đổi tên là Hoàng Uyển, đề nghị với quân đội Thái Bình Thiên Quốc mượn thế lực ngoại quốc để mưu đồ trung nguyên .Khi quân Thanh chiếm Tô Châu, tìm được bức thư kiến nghị ấy của ông, ghép ông vào tội thông phỉ và ra lệnh bắt, may nhờ người Anh giúp ông trốn được ra Hương Cảng. Sau đó theo người Anh sang Anh Quốc, phiên dịch các thư tịch cổ điển, nhờ đó ông có cơ hội đi du lịch các nước Pháp, Anh, Nga, rồi trở về Hương Cảng làm chủ bút báo Tuần Hoàn Nhật Báo, đề xướng biến pháp, đi trước cả Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu cả chục năm.
Ông mất năm 1878, để lại một số tác phẩm như :
-Thao Viên Thi Văn Tập
-Độn Quật Lan Ngôn
-Tòng Ẩn Mạn Lục
-Tòng Ẩn Tỏa Thoại
Những truyện trong tác phẩm Tòng Ân Mạn Lục được viết theo thể tài chí quái, bằng lối văn ngôn như Liêu Trai Chí Dị, ca tụng những cuộc tình chung thủy, đề cao nam nữ tự do luyến ái, chỉ trích những tệ nạn hủ bại của lớp quan lại phong kiến đương thời.Văn pháp lưu loát, ngôn từ tế nhị, tình tiết cố sự uyển chuyển khúc triết chen lẫn với nhiều bài thơ hay.
Một số truyện trong Tòng Ẩn Mạn Lục đã được chúng tôi dịch và in trong Hậu Liêu Trai và Thiếp Bạc Mệnh trước đây.

Vài hàng chú thích :
Yểu Nương (窅 娘) :
Yêủ Nương là tên của một nàng cung nữ được Nam Đường Hậu Chủ Lý Dục.Yểu Nương chẳng những có dáng người tha thướt, lại tài nhẩy múa.Nàng dùng vải bó cho chân nhỏ bé và cong như cung trăng.Nam Đường Hậu Chủ Lý Dục làm một cái đài hoa sen bằng vàng, cao sáu tấc, trên để những báu vật, và các loại hoa đẹp để cho nàng múa, trông phiêu nhiên như tiên nữ, rất được Hậu Chủ yêu thương sủng ái, và dùng mấy chữ :”Tam thốn kim liên 三 寸 金 蓮) để tán thưởng nàng.
Sau nầy, trong thi văn Trung Quốc thường dùng chữ “Kim Liên ” để hình dung đôi bàn chân nhỏ của phụ nữ.Có thể nói tục bó chân của người đàn bà Trung Hoa bắt đầu từ Yểu Nương, rồi lan truyền ra dân gian, đời này sang đời khác, được sùng thượng đến nỗi người đàn bà nào không có bàn chân nhỏ, thì bị đàn ông chê ghét, có thể không lấy được chồng.

Hủ tục bó chân nầy phải chờ đến đời Khang Hy, năm 1664, mới ra lệnh cấm.Nhưng cấm lệnh của Khang Hy cũng chỉ áp dụng trong một thời gian ngắn, thì bị phe bảo thủ chống đối, nên năm 1668, Khang Hy theo lời tâu của Bộ Lễ rút lại lệnh cấm.

Đến cuộc cách mạng Tân Hợi, hủ tục bó chân của phụ nữ Trung Hoa mới thực sự bị tiêu diệt.

Kim Lăng (金 陵 ) :
Nhà thơ Lý Bạch có hai bài thơ nổi tiếng nhắc đến Kim Lăng, ở hai hoàn cảnh khác nhau là Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng Đài, và Kim Lăng Tửu Tứ Lưu Biệt.

Kim Lăng nay là thành phố Nam Kinh tỉnh Giang Tô.
Theo tác giả Cô Vong Ngôn, một truyện văn học cực dâm, thì Kim Lăng bị đổi nhiều tên gọi khác nhau, theo từng triều đại.Thời Xuân Thu, Kim Lăng thuộc nước Ngô, thời Chiến Quốc thuộc nước Việt, sau thuộc nước Sở. Vì vua Sở Uy Vương dựng lăng chôn vàng để trấn yểm đất đó, nên mới gọi là Kim Lăng.

Đến đời Tần Thủy Hoàng thì đổi là Mạt Lăng.Thời Tam Quốc, năm 212 CN Tôn Quyền xây cất Thạch Đầu Thành và đến năm 229 Quyền đóng đô ở đó mới đổi Kim Lăng là Kiến Nghiệp.Đời Tây Tấn, vì tị húy Tư Mã Nghiệp đổi Kiến Nghiệp là Kiến Khang.Các đời Đông Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần và Nam Đường đều đóng đô ở đó. Đời Tùy là Tưởng Châu. Đời Tống là Kiến Khang Phủ. Đời Nguyên là Tập Khánh .

Đến Minh Thái Tổ lại đổi là Ứng Thiên Phủ.
Năm 1421 CN, Minh Thành Tổ rời đô đến Bắc Kinh, Ứng Thiên Phủ mới gọi là Nam Kinh
Năm 1853 CN, Nam Kinh trở thành quốc đô của Hồng Tú Toàn và gọi là Thiên Kinh.
Năm 1927 Trung Hoa Dân Quốc thành lập, đến năm 1930 lại gọi là Nam Kinh Thị

VN88

Viết một bình luận