VN88 VN88

Chuyện vợ chồng đậu phụ

Truyện ngắn chuyện vợ chồng đậu phụ do Truyendammy.vip sưu tầm đọc truyện ngắn chuyện vợ chồng đậu phụ.

Chuyen vo chong dau phu

Xem truyện ngắn: Chuyện vợ chồng đậu phụ
Tác giả: Dương Bình Nguyên

Thế là người ta tống cổ tôi ra khỏi ký túc xá. Ông bảo vệ vừa hỉ hả khép cửa vừa vút đuôi: “Đi nhé, lúc nào rỗi rãi quay lại đây thăm anh em bạn bè sau”. Tôi bảo: “Vâng. Lúc ấy chắc bác đã già lắm”. Rồi tôi đi, không ngoảnh lại. Tôi chưa biết cảnh người ta phải đi tìm hỏi từng khu nhà trọ để thuê được một gian phòng. Suốt thời sinh viên tôi sống trong ký túc xá, tiền kiếm được dành để đóng học phí và tiêu phung phí vào rất nhiều sở thích quái gở. Cái thời ấy sao mà lạc quan. Tôi đi lang thang cả ngày trời, cũng không biết mình sẽ đi đâu. Ngày mai cơ quan sẽ phỏng vấn lần cuối, nếu xong thì sẽ được vào làm cộng tác viên. Thôi thì cũng là may hơn nhiều đứa giờ vẫn nháo nhác không nơi nào thèm nhận.

Bà chủ nhà nhào ra cổng: “Hỏi thuê nhà hử?” – cái giọng nằng nặng của người miền biển vẫn còn lưu lại nguyên vẹn. Tôi khấp khởi hỏi lại: “Bác còn nhà?”. “Ừ, nhưng mờ phải ba trăm, chưa điện nước”. Tôi nhẩm tính rồi tặc lưỡi. Đã rất nhiều lần tôi tặc lưỡi, đã mất một số thứ trong cuộc sống nhưng lòng cũng nhẹ bớt đôi phần. Gian phòng chừng mười mét vuông, rất nhiều mạng nhện và mùi ẩm mốc xộc đến. Bà chủ bảo: “Tôi cho mượn cái phản, mua đệm về trải mà nằm, bây giờ không ai dùng giường nữa đâu. Mai mốt có chuyển đi cũng tiện. Tôi là không có hợp đồng hợp nhôm gì xất. Ăn ở không tử tế là tôi cho lượn luôn”. Tôi vừa quét mạng nhện vừa bảo: “Bác tốt với cháu quá” mà trong lòng chỉ muốn đập cho vỡ cánh cửa sứt sẹo và xộc xệch này đi. Hừ, cuộc đời dạy cho tôi nhiều thứ nhưng chưa có khi nào tôi nghĩ mình vào hoàn cảnh này.

Vợ chồng nhà kế bên tôi làm nghề đậu phụ. Nghe đâu họ từ Bắc Ninh ra thuê nhà, lấy nhau rồi sinh con đẻ cái. Hai đứa con đen đủi và lấm láp như mới vớt lên từ ao bùn. Bà chủ nhà thò cổ vào: “Cậu cẩn thận nhé, con vợ thằng Tuyển là có tật ăn cắp vặt”. Rồi bà lại cầm cái bát tô lớn sang gian bên: “Cho xin bát óc đậu, Tuyển”. Tuyển thấp đậm, người như một súc thịt màu than củi cháy dở. Mắt của anh ta mới thật buồn cười, nó không thành lé mà lại là một chiếc cầu lồi màu nước gạo. Tuyển bảo: “Hôm nay bà lại thích ăn óc của con à?” Bà chủ rút cái bát lại: “Mày nói thế là ý móc máy tao thế nào? Tưởng báu lắm đấy. Vợ chồng mày ăn ở thế nào cả cái khu này ai chẳng biết. Bà là bà thương tình hai cái cục bùn kia kìa, không thì bà đuổi thẳng cổ”. Nói rồi bà chủ ngoảy đít đi thẳng. Buổi chiều, cả khu nhà thuê biết chuyện thằng Tuyển kiệt xỉ, vắt cổ chày ra nước, bán từ cái bã đậu thối bán đi. Nhiều cô thợ may suốt ngày nghe toa roa tiếng máy và cuồng chân may được nghe chuyện khôi hài không mất tiền nên lấy làm thú vị lắm, cả cái bể nước rung động bởi những trận cười với đủ kiểu cách.

Cô San thì ha hả cười, lăn lộn trên cái phản cũ làm ụp cả rổ rau muống đang nhặt dở. Cô Tâm thì ý tứ hơn, hỏi nhỏ: “Thế bác đã nhìn thấy hai anh chị ấy tình tứ với nhau bao giờ chưa?”. Được thể, bà chủ he hé cười: “Ui giời ơi, cái phường chèo ấy nó âu yếm nhau mới là chuyện tiếu lâm Chí Phèo yêu Thị Nở. Thế này này, con San ra đây tao làm mẫu cho xem… Thế, nó mới ôm một vòng tay đẫy vào hông con vợ. Con vợ nhột quá, cười sằng sặc lên như lợn bị tụ huyết trùng. Nó bảo, hôm nay mặc cái áo hồng đẹp phết. Vợ nó quay đi, có vẻ ngượng, lỡm ạ, đẹp gì, áo này mua sida ở Kim Niên, có mười năm ngàn bạc. Nó lại nịnh, người đẹp thì mặc gì mà chẳng xinh. Vợ bảo, con ơi, con nghe thấy bố khen mẹ xinh không?… Đêm nào mà thằng chồng hăng tiết vịt, hôm sau con vợ cứ là rạc như vạc ăn đêm”… Cô San bảo: “Ừ, nhà ấy buồn cười lắm, lúc vui thì nịnh nhau như diễn chèo, tức nhau thì lôi từ ông bành tổ nhà nhau ra mà chửi. Con vợ đanh đá cá cầy, cái mồm vạc ống dầu ăn hết phần chồng phần con cho mà xem”. Vợ Tuyển vừa đi chợ về tính ra giếng rửa chân. Thế nhưng những tràng cười ám ảnh thị như ma quái. Thị tức lắm. Thị biết lũ người buôn dưa lê kia đang chĩa mũi dùi vào cái hạnh phúc mong manh của thị mà thôi. Thị là người yêu chồng, thương con. Mấy con ranh “ê sắc” lại ra vẻ chính chuyên, đêm nào cũng rập rình hết anh hàng tôm đến thằng thợ điện mà lại đi chê một người no vợ đủ chồng như thị. Thị vóng vót qua cửa sổ ra ngoài: “Tài giỏi thì đi đánh đĩ mà kiếm chồng, cứ thử làm vợ một ngày cho nó biết mùi sung sướng. Ngồi nê đôi mách chuyện nhà người, cứ động đến nhà tao thì tao nấy cái đũa cả tao gang mồm ra. Chồng tao đấy, con tao đấy, tao chẳng chửa hoang chửa nứt với thằng nào. Tao cũng không suốt ngày rình rập đêm hôm xem váy người khác mặc đằng trái hay đằng phải để kiếm câu chuyện nàm quà. Tưởng công phượng mỹ miều nắm đấy, cũng toàn mèo mả gà đồng thôi chứ báu gì”. Thị tuôn một tràng liên chi hồ điệp và chờ đợi loạt đạn phản công. Máu nóng trong người thị dồn lên rồi. Nhà thị làm đậu thì đã sao, làm gì mà chẳng được miễn là không đi vay đi xin của đứa nào, miễn là kiếm được bát cơm đổ vào mồm mà không đâm thuê chém mướn. Con thị đen bẩn thì đã sao, nhà thị ở quê đã quen rồi. Mấy đứa con hàng xóm dưới quê nhà thị còn bẩn cả trăm lần, chúng hàng ngày ngồi phía sau tường và cậy từng miếng vách bỏ vào miệng. Chúng đi bắt đỉa bỏ vào bình vôi để nhìn cảnh những con đỉa giẫy giụa trong vũng máu và nồng độ vôi đậm đặc. Chồng thị cũng có cục súc với vợ, nhưng đấy là chuyện của riêng nhà thị chứ, mắc mớ gì chuyện của họ. Thị ngồi im trong phòng lắng nghe. Nhưng ngoài bể nước bỗng im bặt. Bà chủ nhà và mấy cô thợ may đang chụm đầu lại. Bà chủ giơ tay lên, thế này, thế này…. Và “sư đoàn tóc dài” nối đuôi nhau từng bước hùng dũng đi vào gian phía bên cạnh nhà tôi.

Tôi nín thở nhìn theo, chắc chắn sẽ có trận hỗn chiến. Bà chủ nhà giật tung cánh cửa nhà Tuyển, mắt long lên, hai tay chống nạnh nhìn vào trong. Giữa cái không gian ẩm mốc và tù đọng của vợ chồng hàng đậu, hai đứa bé ôm lấy chân bố, mắt trân trối nhìn ra ngoài. Có lẽ chúng đã qúa sợ hãi những cuộc tung hoành thế này. Bà chủ vóng vót: “Này con kia, mày vừa chửi ai đấy. Mày có biết bà là bà nào không?” Và tất cả mấy cô thợ máy quần áo xắn ngược lên, đằng đằng sát khí. Các cô đồng thanh hét lên: “Đồ con đĩ”. Rồi mớ tóc râu ngô của thị Tuyển bị buộc ngoéo vào thành giường. Rồi tát, rồi gào thét. Tát cho chừa cái thói đành hanh đỏ mỏ đi. Cho chừa cái tật ăn cắp vặt như lời bà chủ nói với mọi người đi. Tuyển lao vào đuổi cổ mấy cô thợ may ra. Nhưng như hổ cái mất con, càng đuổi ra các cô càng lăn xả vào mà cấu mà xé. Hai đứa trẻ thét lên. Chúng gào váng tai váng óc bà chủ nhà. Bà quát: “Thôi, buông nó ra”. Vợ Tuyển đang chửi bới giẫy dụa bỗng phủ phục dưới chân bà. Thị biết có thể phải bế con lang thang ngoài phố ngay trong đêm nay nếu còn giữ thói già mồm. Thị đổi ngay thái độ: “Ôi, bà ơi, thề có bức tường đây, con mà lại dám nói động đến lông chân bà sao. Bà như mẹ con ở quê, bà bảo sao con nghe vậy, trước giờ con chưa dám trái lời chứ sao dám chửi bà. Con là con chửi cái quân mất dạy đi phá hoại hạnh phúc nhà người khác cơ. Mà bà thì chẳng bao giờ làm việc ấy. Bà đừng làm khó cho con, bà phải yêu thương cho công bằng chứ, huhu…”. Tự dưng bà chủ nhà mặt chùng xuống. Bà có vẻ nghĩ ngợi. Có lẽ thị Tuyển đã nói đúng chăng? Tôi ngồi trong nhìn qua khe cửa thấy khuôn mặt bà thay đổi trong từng giây, thoắt cáu giận thoắt yêu thương, thoắt đanh đá thoắt u uẩn buồn bã. Bà chủ nhìn mấy đứa trẻ, lúc đó khuôn mặt bà như tái đi. Rồi bà khoát tay: “Thôi, các cô đi về, chuyện nhà nó kệ bố nó, đếm xỉa đến chi cho nhọc công. Về mà nằm khểnh, xem cái phim gì ấy nhỉ, ờ, xem phim ông Charlie”. Bà quay vào nhà, nhìn Tuyển: “Con vợ anh ý, nó ngoa ngoắt như một con mụ bán mắm thối. Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về, ở đây đã vậy, còn chỗ khác thì nó vạc mồm đi”. Nói xong, bà từ từ buông tay áo xuống, quày quả ra bể nước. Lúc sau thì mọi ấm ức của các cô thợ may tràn cả sang bà. Mặt bà thuỗn ra, rồi bà đứng dậy, phủi đít đánh toẹt: “Tôi là tôi thương mấy cái cục bùn kia quá cơ”. Bà về nhà, lát sau đã thấy tiếng Trung Quốc xí xéo trong ti vi. Bà đang dán mắt vào câu chuyện ông Charlie với những pha cứu nạn ngoạn mục.

Tôi đi làm, công việc mới thực sự là bận rộn. Những va đập, những ghen tỵ đố kỵ của những người cùng thời làm cho tôi vỡ ra nhiều. Và tôi thấy mình nhập được vào cái thế giới của những toan tính nhỏ nhặt rất thực và rất buồn trong khu nhà trọ này. Tháng tháng, tôi gom nhuận bút về, vuốt phẳng phiu và kẹp thêm tờ dây nịt đưa cho bà chủ. Luôn luôn kèm theo đó là một câu ngọt như mía tẩm mật ong: “Bác cầm giúp con với, con có gì không phải bác chỉ để con sửa, bác nhé”. Bà chủ lúc đó y như mẫu hậu, mắt hiền từ và môi đỏ màu trầu thuốc. Bà nhìn tôi, ánh mắt chứa chan ấm áp. Thực lòng, những lúc ấy tôi thấy thương cái cuộc sống đầy đủ mà vô cùng thèm khát của bà. Bà bảo: “Cố mà sống cho nên người. Mày là ông nhà báo, là trí thức, phải khác với vợ chồng nhà Tuyển. Chúng nó như phường chèo, con cái mai mốt chẳng ra sao”. Tôi nhìn bà: “Bác có thấy thiếu gì không, để con giúp”. Bà cảm động lắm, rơm rớm nước mắt. Bà bảo: “Thôi, tháng này không phải trả tiền điện nữa. Mày mới đi làm, chắc việc chưa thạo”. Tôi thinh lặng bước về nhà. Từ ấy tôi thường hay để ý đến bà, thấy con người tưởng như ác độc kia lại có gì như yếu đuối và biết động lòng trắc ẩn. Phía sau những gì gằn hắt, chao chát, sau những câu chuyện tầm phơ giết thời giờ, bà như một bóng cây lặng lẽ, trơ ra và khô cứng giữa mùa đông của tuổi già.

VN88

Viết một bình luận