Truyện ngắn chuyện vàng do Truyendammy.vip sưu tầm đọc truyện ngắn chuyện vàng.
Xem truyện ngắn: Chuyện vàng
Tác giả: Thanh Châu
Chuông thu không vừa dứt, chú tiểu Nhi toan đóng cửa chùa thì trong bóng tối hoàng hôn chập choạng, từ chân núi một người đàn ông, không, hai người đàn ông nặng nề bước từng bước một lần lên. Người đi trước cất giọng rên rỉ nói cùng chú tiểu:
– Nhà chùa khoan đóng cửa, xin cho chúng tôi nghỉ nhờ một đêm, mai sáng sẽ xin đi.
Người đi sau tiếp theo, vừa nói vừa thở dốc như một con vật dữ:
– Chúng tôi đói… mệt lắm rồi… xin cho chúng tôi ăn… và uống…
Người đó chưa nói hết câu đã gục xuống bậc đá, như một cái cây bị chặt gốc.
Chú tiểu Nhi không tỏ vẻ gì khác khoan thai bước xuống hiệp lực cùng người đi trước, vực người khốn nạn lên chùa.
Khi bọn ba người loạng choạng dìu nhau về phía tam đảo thì vị sư già trụ trì đang mải tụng kinh trong ánh đèn dầu tù mù nên không để ý gì đến họ. Chú tiểu Nhi do dự một hồi, rồi đến gần vị sư già nói nhỏ mấy câu. Vị sư tay vẫn gõ mỏ điều điều, miệng vẫn lẩm bẩm đọc kinh, chỉ trả lời vắn tắt:
– Con đưa người ta vào nhà tổ.
Tiểu Nhi vội vã quay ra, đưa hai người khách lạ vào nhà tổ, và khêu cao ngọn bấc đèn. Đến lúc ấy chú mới nhìn rõ mặt hai người khách. Hai người? Đó là hai người đàn ông thật, nhưng gọi là “người rừng” có lẽ đúng hơn. Hai người mang hai cái bao vải lớn trên lưng, mặt mũi râu ria đen rậm, dữ tợn vô cùng. Hình như họ vừa trải qua những cơn nắng mưa đói khát, vất vả dọc đường ghê gớm lắm, nên áo quần mới rách nát đến thế, hình thù mới hóa ra cổ quái nhường
kia.
Chú tiểu Nhi lắc đầu thương hại. Người tu hành khổ hạnh ở chốn núi non cách trở, quạnh hiu như chú còn có điều gì đáng sợ. Ngôi chùa hẻo lánh, nghèo nàn này làm gì có của cải bạc vàng châu báu để cho kẻ gian phi cướp bóc?
Tiểu Nhi lấy chiếu trải xuống bệ gạch cho người bị nạn nằm. Chẳng hề gì, người khách chỉ say nắng, chỉ mệt mỏi vì đi bộ quá lâu, cứ xem bụi bám trắng cả hai chân thì đủ hiểu. Một ngụm nước mưa mát lạnh phun lên mặt sẽ làm cho họ tỉnh. Chú tiểu nhanh nhẹn múc nước cho hai người, rồi họ đi vo gạo thổi cơm.
Trời tối được một lúc thì trăng mọc. Tiếng trùng tiếng dế quanh chà nổi lên nghe rất thê lương. Không khí chẳng con oi nồng như lúc ban nãy nữa. Sương trắng bốc lên ở các ngọn núi chung quanh khiến cảnh trí thêm huyền ảo. Người ta có cảm giác đây là chốn thần tiên thoát tục, chốn riêng biệt, không phải dành cho những kẻ lòng đầy ham muốn ở đời.
Hai người khách bộ hành đã tỉnh táo. Họ uống từng bát nước mưa đựng trong ấm sành của nhà chùa mà tưởng như được uống một thứ rượu bồ đào dành cho các vị tiên trên thượng giới. Nước chảy trong cuống họng họ có mùi thơm, làm cho các thớ thịt trong người họ nở ra êm dịu. Họ càng có cảm tưởng mới hồi sinh nhờ phép lạ nhiệm màu. Họ không còn thấy cái bóng ghê tởm của thần chết theo đuổi nữa. Thật lạ lùng, đó chỉ là mấy ngụm nước mưa, nước lã lúc khác họ coi thường, không đáng cho họ bận tâm nghĩ ngợi bằng việc mưu danh, mưu lợi. Trong một lúc họ quên hẳn cái mục đích khiến họ bỏ nhà bỏ cửa ra đi lam lũ, như một kẻ ăn mày, trên bao nhiêu quãng đường gian nan nguy hiểm vừa qua, mà còn chưa chết, còn đợi họ, khi mặt trời lại mọc.
Giữa lúc đó, vị sư già từ trên tam bảo đã trở về nhà tổ. Vị sư nói bằng một giọng thật ôn tồn, ấm áp:
– A di đà Phật! Hẳn các người đói lắm! Cửa phật bao giờ cũng rộng mở cho hết thảy mọi người. Nhà chùa chỉ có gạo xấu với muối vừng, xin đãi khách tạm bữa lót lòng. Hẳn các người còn phải đi tìm mỏ… còn xa đường đất lắm… nếu ai chưa bình phục, xin cứ ở lại đây, bao nhiêu ngày cũng được… A di đà Phật, của nhà chùa là của mọi người, xin đừng e ngại.
Hai người khách lạ, tuy đang mệt nhọc, uể oải nhưng nghe nói vậy, vội ngồi ngay ngắn lại. Một người cất giọng hỏi ngay:
– Bạch cụ, làm sao cụ lại biết rằng chúng tôi đi tìm mỏ? Chúng tôi chỉ là kẻ đi buôn, thường qua lại xứ Lào…
– A di đà Phật, đó là bần tăng đoán vậy thôi! Nơi đây là chỗ giáp giới đất Lào, kẻ thì kẻ đi buôn lậu qua lại cũng nhiều, nhưng có lẽ họ không chịu chọn con đường hiểm trở này, hiểm trở quá này!… Con đường chỉ dành cho những kẻ sơn lâm lão luyện… và những kẻ tìm vàng, những kẻ ôm cái mộng giàu sang định quốc trong phút chốc… hả hả, bần tăng nói dài lời quá… chắc cái vị khách quý của bần tăng đói bụng lắm rồi, để bần tăng đi giục tiểu Nhi dọn cơm chóng lên mới được, ăn uống xong, nếu nhị vị chưa mệt lắm, thì để bần tăng xin pha một tuần trà ngồi hầu chuyện chốc lát cho vui.
Hai người khách lạ rất đỗi ngạc nhiên trố mắt nhìn nhau, hấp tấp trả lời:
– Nếu được vậy thì vạn hạnh, vạn hạnh. Chúng tôi xin cố thức để hầu tiếp cao tăng, chúng tôi xin cố…
Trong lúc vị sư già lặng lẽ đi trong bóng tối của ngôi chùa, hai người đàn ông bàn tính với nhau cùng hồi hộp không hiểu làm sao vị sư này lại biết rằng họ đi tìm vàng.
Chờ cho hai người cơm nước đoạn, vị sư già mời mỗi người một bát nước trà đun bằng vo cây mơ miền núi, rồi kể chuyện:
– Hẳn nhị vị lấy làm lạ làm sao bần tăng lại biết được nhị vị cùng đi tìm vàng. Điều đó không có chi lạ cả. Xin hãy cởi bỏ đôi giày gai ở chân ra, và giũ bụi đường xuống sân chùa này cho thư thả, bây giờ trăng lên gió mát chính là lúc nghỉ ngơi. Giờ này chi có ác thú và kẻ gian đi tìm mồi, đi giết hại. Chúng ta là người lương thiện thì nên biết hưởng ân huệ của Phật, Trời ban.
Bần tăng biết các vị đi tìm vàng… bởi vì… xưa kia chính mình cũng đã từng là kẻ đi tìm vàng, như các vị ngày nay vậy. Cũng đã từng đeo cái bao vải kia trên vai, đã từng xỏ giày đi băng rừng núi, chí cương quyết và lòng hăng hái. Vừa trông thấy nhị vị bần tăng đã đoán ra ngay tức khắc. Đêm nay bần tăng lại được trông thấy hình ảnh mình ngày trước, ở hai người cường tráng cùng nuôi trong lòng một cái mộng rực rỡ như màu vàng chói lói. Vừa trông thấy hai người thì đã đọc được ngay những điều thầm kín mà hai người giữ kín trong tâm. Ngày tháng và tâm sự của người ta thường để lại dấu vết trên khuôn mặt. Kẻ tu hành ở chốn này đã nhiều năm, đã từng tiếp một số người đến trú ngụ chùa này, đói rách và bại liệt vì muốn vượt qua biên giới. Nhưng không mấy người chịu nói khác rằng mình chỉ là những kẻ đi buông lỡ độ đường. A di đà Phật! Các vị có nghe tiếng con chim lợn vừa kêu trong rừng thẳm đó không? Phút này có lẽ một kẻ xấu số nào đương trút bỏ linh hồn trong nanh vuốt một con heo, con hổ khát mồi, say máu.
Bao nhiêu người đã đi thoát và trở về sung sướng giàu sang? Bao nhiêu người đã gửi xác lại cho rừng rú? Bao nhiêu người đã tự hiến cho ông thần độc ác đó: Thần Vàng?
– Vâng! A di đà Phật, bần tăng cũng đã từng nếm biết cái mộng điên rồ ấy.
Bần tăng đã từng lội suối, trèo đèo, phát rừng, rạch lá, đã gian nan khổ sở bao nhiêu để đi cho tới cái đích khó khăn ghê gớm đó: Vàng! Vàng đã thay đổi hết…
Thuở ấy, bần tăng cũng chẳng khác gì quý vị hôm nay. Bần tăng cũng đã từng đi với một người bạn thân thiết. Hai người bạn đã uống máu ăn thề, đinh ninh rằng gian nan cùng chịu, quý quý cùng chia, vậy mà hai người đã lìa nhau, hai người đàn ông sức lực, thi gan cùng rừng rậm, cùng sông nước, cùng mãnh thú. Hai người cùng thấy mình mạnh mẽ hơn tất cả muôn loài, không gì vật ngã được: muỗi rừng, rắn rết, cá sấu, hùm beo… không gì cản trở được họ. Hai người quý nhau, thương nhau, che chở cho nhau trên mỗi bước đường. Chà, cái tình bè bạn sao mà êm ái! Cái tình bè bạn không giả dối như ở nơi đô hội, nhưng là cái tình thiết thực của những kẻ lìa nhà, lìa cửa, bỏ cả cha mẹ, quê hương, để cùng một con đường, một mục đích ở đời.
Đó là những ngày nắng hạ nung nấu tạo vật bằng thứ lửa giết người, làm cháy da, sém thịt, làm cho óc người chín nẫu và trống rỗng, làm cho mắt quáng.
Đó là những ngày mưa dội như thác xuống lưng, gió thổi như xô người vào bụi, lạnh thấm như xé từng thớ thịt. Nhưng hai người đàn ông vẫn bước đi. Họ phạt mây gai che kín lối rừng, họ bắt vắt cho nhau, họ buộc thuốc cho chân khỏi sưng khi phải lội qua những vũng nước tù hãm lâu đời chứa chấp bao nhiêu là sâu bọ độc. Mỗi ngày đi chừng một hai nghìn thước là nhiều. Mỗi bước là mỗi nguy nan chờ đợi. Bần tăng lúc ấy là người kiên nhẫn nhất cũng đã nhiều phen rời rã tưởng chừng phải chết dọc đường, chết thảm hại như một con vật hoang không ai hay biết. Như vậy là chư kể những ngày đi lạc, nhầm đường và gặp tối, và lo sợ, tưởng có thể phát điên lên cả.
A di đà Phật, đẹp đẽ, lớn lao thay cái tuổi trai tráng thiếu niên lòng đầy tin tưởng. Chỉ có tuổi ấy là dám đương đầu, đọ gan với chết. Cái tuổi ấy, cái sức ấy giá biết dùng phải chỗ, có việc gì mà không làm nổi?
A di đà Phật, bần tăng đã dùng nhầm cái sức cái tuổi của bần tăng. Bần tăng lúc trẻ đã đi tìm không phải ánh sáng của đạo lý mà cái ánh sáng mê hoặc của Vàng, của sự giàu sang mây nổi. Nhưng nhờ Trời, Phật bần tăng đã mở mắt được kịp, không lấy gì làm muộn màn lắm… Thế rồi cái ngày ấy đến… Ngày cuối cùng của một đoạn đường gian nan khốn khổ… bần tăng còn nhớ như mới hôm qua.
Hai người bạn đang đi trong một quãng rừng ngạt thở, bỗng nghe tiếng suối reo róc rách đằng trước mặt. Hai người giở sổ xem lại bức địa đồ ghi chỗ có vàng. Không còn nghi ngờ gì nữa. Những con bướm rừng bay giỡn chung quanh hai người không làm cho ai chú ý. Những cành phong lan nở hoa ngào ngạt quanh đấy cũng uổng công phô sắc phô hương. Bần tăng bốc một nắm cát, nhặt vài hòn đá bên bờ suối xem rất kỹ. Những chấm vàng nhấp nháy!
A di đà Phật, bần tăng hét lên một tiếng, và người bạn của bần tăng cũng hét lên một tiếng. Cả hai tưởng là tắt thở. Vàng! Đúng là xứ sở của vàng, chao ôi, điều mong ước của cả hai đã thực hiện. Vâng, bây giờ thì bao nhiêu cực nhọc đều tiên tán. Cổ họng dù khô ráo, trong lòng dù lửa đốt và đầy hơi lam chướng, tóc tai áo quần dù mục nát, đầy chấy rậy, chân cẳng dù toạc da chảy máy ròng ròng, nhưng có hề chi, miễn là nắm trong tay được một thỏi sinh kim nhấp nháy chất vàng. Hai người chúng tôi tự cho mình là hữu hạnh nhất trên đời, nhảy múa như hóa dại, và cám ơn Trời Phật đã run rủi cho mình tìm thấy đúng chỗ có vàng. Chỉ một thỏi thôi, một thỏi con con cũng đã là một cơ nghiệp cho những kẻ khác ở nơi thành thị. Huống chi đây hằng hà sa số, kể sao cho xiết của trời!
Hai người cứ việc nhặt, đãi, bỏ vào bao tải. Họ nhặt, họ nhặt, không có thì giờ nói chuyện cùng nhau. Họ mê man trong cái khoái cảm được đụng tay, được sờ mó vào loài kim thuộc hiếm hoi kia… Thế rồi, giờ phút quay về cũng đến.
Vị sư già ngừng lại vì nhác thấy hai người khách của mình có vẻ khác thường, bàn tay họ run lên, mắt họ sáng ngời lên ghê sợ trong đêm tối. Vị sư già nhìn họ như vô tình, lãnh đạm, rồi cười nhạt:
– Làm sao hai vị khách quý của bần tăng lại run lên như vậy? Hay là bị lạnh chăng? Khí hậu ở đây có khác dưới đồng bằng. Vả đêm cũng đã khuya rồi, khí núi tỏa ra thường giá buốt, có lẽ bần tăng đã quen chịu nên không thấy. Nhưng chuyện cũng không còn dài lắm, để xin tiếp thật nhanh. Hai vị còn cần phải nghỉ ngơi cho lại sức để lên đường.
Vị sư già chưa nói hết, hai người khách đã vội can ngay:
– Xin cao tăng cứ kể rạch ròi cho chúng tôi được rõ. Chúng tôi chưa từng được nghe một người nào kể chuyện hay như vậy. Chúng tôi đã quên cả mệt và buồn ngủ, xin cứ kể tiếp đi, xin kể tiếp ngay đi.
Vị sư già lại mỉm cười, trong lòng thừa hiểu rằng hai người khách lạ đang nóng biết những nông nổi đường trường của mình ngày trước để lấy làm kinh nghiệm. Và vừa rồi nghe tả đến chỗ có vàng, sự thèm muốn của hai người đã sôi lên trong gân máu họ. Một loài chim núi rúc lên hồi dài từ chốn xa vọng lại khiến người ta tưởng khu rừng cũng phát rùng mình trong ánh trăng khuya. Vị sư già nhấp một chút trà bấy giờ đã nguội, rồi kể tiếp:
– Chà, quãng đường về! Quãng đường về lại còn gian nan gấp mười lần, gấp trăm lần! Đến bây giờ bần tăng cũng còn chưa hiểu làm sao mình lại sống sót mà ngồi đây được. Chao ôi bần tăng đã trờ thành một kẻ tu hành, vậy mà lúc này nghĩ lại vẫn không khỏi rùng mình ghê sợ. Bần tăng cùng người bạn đồng hành sinh tử vừa đi khỏi chỗ đất vàng được ba ngày thì trời bỗng nổi cơn giông bão. Bần tăng dám chắc chưa có một người nào sống qua một cảnh hãi hùng, điêu đứng đến như cảnh đó. Mưa trút nước như có một con sông trên trời úp xuống, cây cối vặn mình đổ lấp đường. Thú dữ và rắn rết trong rừng bò ra lổm ngổm rít lên như tiếng diều hâu.