Truyện ngắn chuyện Vân cẩu do Truyendammy.vip sưu tầm đọc truyện ngắn chuyện Vân cẩu.
Xem truyện ngắn: Chuyện Vân cẩu
Tác giả: Hồ Đình Nghiêm
Thoát được bát quái trận đồ, Đằng Vo đứng nhìn căn nhà án lối. Vật đổi sao dời, cảnh sắc biến hóa, đường sá thay tên đổi họ, thiệt khó tùm. Mà cũng không chừng thằng lái xe ôm ưa trấn lột tiền bằng cách chạy vòng vo, thong thả phun khói xăng. Chóng mặt, say nắng.
Đằng Vo bước vào sân, hơi choáng váng. Một người đang ôm bình tưới nước ngẩng mặt lên, án chừng dọ hỏi, đón đường.
– Có đúng là nhà của Kiếm Văn?
– Thưa phải.
Những cánh hoa đầm đìa ướt át, lả lơi. Năm sáu loài khác nhau, ba bốn màu dị biệt. Hương thơm nhẹ thoảng. Nước rơi xuống, giọt đọng trên cánh hoa, giọt lăn vào đất, thẩm thấu.
Người đàn bà ngưng tay khi nước đã cạn trong bình. Y phục nhàu bẩn, dáng dấp quê mùa, tựa hồ một kẻ làm công.
– Nói cho Văn biết có ta từ ngàn dặm đến thăm.
– Xin đợi ở đây, tôi vào báo cáo.
Đằng Vo chắp tay sau lưng, nhìn ngang liếc dọc cảnh vật. Dưới mái hiên có treo dãy lồng chim. Sơn ca, chích chòe, họa mi, hoàng yến thay phiên hòa âm. Tiếng cao tiếng thanh chen vai thích cánh, ngân nga giữa chiều đang dịu nắng. Hoa và chim. Vườn tược và cách bài trí. Ô hay, xem chừng như đây là nơi quan chức an hưởng tuổi già. Một kẻ giàu tiền của muốn ẩn dật vui thú điền viên?
– Trời đất ơi!
Một tiếng la. Nửa mừng vui, nửa thảng thốt.
Kiếm Văn mang tiếng reo ra khỏi bậc thềm. Áo quần bảnh bao, mặt mày tươi nhuận, thần sắc khác thường.
– Về hồi nào? Sao không đưa tin cho đệ đi đón rước?
– Về ban trưa. Ta bao giờ cũng ưa mang đến sự bất ngờ.
– Than ôi! Bao nhiêu năm rồi? E đã có hơn mười mấy mùa lá rụng. Huynh thật đổi thay.
– Bậy. Trước sau ta vẫn vậy. Kiếm Văn mới là kẻ làm ta ngờ vực.
Trong đầu ta không hình dung được cảnh trí này. Đứng đây mà ngỡ ngàng, tưởng chân đi lạc vào gia trang kẻ khác.
– Thôi, chớ chơi nhau. Chớ làm tình làm tội nhau kiểu ấy.
– Ta mừng cho hiền hữu không hết sao lại bảo là chơi nhau? Ta vẫn tưởng kẻ ở lại quê nhà đứa nào cũng lam lũ chật vật. Ai mà dè!
– Cuối cùng huynh cũng quay đầu. Phú quý không về làng khác nào áo gấm đem mặc vào ban đêm. Hãy vào nhà, uống một chút men cay gọi là đánh dấu buổi sum vầy, mừng vui vô hạn.
Đằng Vo đi theo Kiếm Văn. Nhà ba gian hai chái đã phá bỏ để xây cất theo kiểu hiện đại. Trường kỷ, tủ khảm xà cừ, bệ thờ ông bà tổ tiên đã dẹp mất, nhường chỗ cho bàn ghế gọn nhẹ in tuồng của Ikea. Mỹ thuật, hài hòa, sang cả. Đằng Vo dòm qua, bật lên tiếng than:
– Ta mà phú quý gì. Sống lây lất xứ người lao động quần quật cũng chỉ vừa đủ miệng ăn. So ra, nhà ta bên đó không thể sánh được chốn này. Cuộc đời thật có nhiều cái khó hiểu!
– Thật sao? Khó hiểu lắm sao? Xuân vũ vô cao hạ, hoa chi hữu đoản trường.
Kiếm Văn xổ nho. Đằng Vo ngả người xuống ghế.
– Bàn tay có ngón ngắn ngón dài, nếu thế ta là ngón cái còn Kiếm Văn là ngón giữa chăng?
– Khẩu khí ấy thật không phải là của bọn Việt kiều. Nhưng thôi, hãy quên đi. Mọi thứ đều phù du, tình bạn là vạn tuế, đúng không?
– Đúng mà sai. Đừng cưỡng bức định nghĩa một thứ gì ráo. Ta đọc trên báo Công an, hằng hà sa số những vụ khó hiểu, đơn cử như con đâm cha mẹ những năm nhát dao trí mạng vì muốn làm chủ hai triệu đồng. Chuyện ấy nên hiểu sao cho thông ý suốt tình?
Bia Heineken được khui. Lon nhôm ướp lạnh, logo ngôi sao đỏ in bên ngoài vả mồ hôi, chảy nước mắt.
– Uống đi. Uống mừng mầy chục ngàn dặm kinh qua mà chẳng bị không tặc khủng bố, lành lặn hình hài về tới quê hương.
Đằng Vo nghe lời, ngửa cổ nốc bia. Thoáng đọng trong con mắt, lung linh vẻ đẹp rạng ngời của một thiếu nữ thoát y. Đặt lon bia xuống bàn, kéo vạt áo chùi kính cận thị, đeo lên lại và ngó chăm chú vô bức tranh sơn dầu khổ lớn treo ở góc tường, anh họa sĩ nào đã tỉa tót vẽ nên một dáng dấp sống động, ngỡ như thật. Ngày xưa, ông quan tội nghiệp nào đi sứ sang Tàu đã đưa tay chụp bắt một con chim có trong bức tranh, chuyện đó e phải nên tin. Thực và giả, việc ấy chỉ có bọn nghệ nhân nghệ sĩ mới hiểu thấu tường tận.
– Có đẹp chăng? Kiếm Văn rung đùi.
– Đẹp. Đẹp lắm. Đằng Vo chớp mắt.
– Người hay tranh?
Đằng Vo nheo nheo hai con mắt. Lông, tóc, mông, ngực, eo, đùi. Đầu, mình và tứ chi thảy đều mượt mà, không tì vết. Thậm chí nốt ruồi cũng chẳng đậu được một hột đen.
– Sao lại hỏi thế? Sao lại treo cái báu vật đó giữa nơi này? Hội họa có được hiểu là một thứ để khiêu dâm không? Treo lên để trắc nghiệm lòng người chăng?
– Ngôn từ nọ có đúng lại có sai. Thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật mà lòng gợn tà ý thì ắt rằng kẻ đó chẳng phải là bạn của Văn này.
Sao, từ thuở làm kiếp ăn nhờ ở đậu huynh có còn xắn tay áo lao vào cuộc chơi giởn màu vọc cọ?
– Than ôi! Vo này ví như cây quýt bị bứng trồng ở nơi hiểm địa.
Chua lè, đắng chát. Sinh lực tiêu hao, ta chẳng còn thiết để tâm vào một việc làm nào cả.
– Uổng thay! Phí thay! Thảng hoặc lòng có dấy lên chút nỗi niềm hối hận?
– Hối hận chuyện gì ?
– Chuyện bỏ trốn đất cha làm thân lưu lạc.
– Bậy. Ta sống còn tới hôm nay là nhờ mau chân. Làm con rùa rút cổ ở lại thì e hẳn du địa phủ lâu rồi. Thôi, đừng khơi chuyện cũ, mất vui. Ta về hôm nay mọi vật tưởng như đã khác trước?
– Phải. “Hãy lau khô nước mắt đi em, vết thương hôm qua sẽ thành sẹo”.
– Thơ của Kiếm Văn?
– Không dám đâu. Tuyên ngôn của một kẻ đại thần.
– Đổi khác không có nghĩa là vết thương đã thành sẹo. Diện mạo này tuy bề ngoài hoa hòe hoa sói nhưng bên trong chừng như nhiểm độc trầm kha. Nghe đâu nuôi dưỡng vi trùng vô số kể.
– Sida là bệnh ngoài da, mười năm mới chết thì ta sợ gì.
– Lần này thì đúng là lục bát của Kiếm Văn?
– Đấy là quan niệm sống của chị em ta. Văn này tuyệt không đủ sức để sáng tác một câu xuất thần tựa thế.
– Vậy chớ hiền hữu làm quái chi mà một tay gầy dựng nên cơ ngơi to tát đến dường này?
– Đêm nay hãy nán lại tệ xá, chúng ta nằm gác chân lên nhau mà hàn huyên bao chuyện đổi dời.
– Nói cũng đúng.
– Về ở lâu mau?
– Ta không có hoạch định chương trình. Dài lâu hay ngắn hạn đều tùy vào lòng người, lệ thuộc cảnh vật. Thành tâm mà nói mọi thứ ở đây từng đã thờ ơ lạnh nhạt với ta, như không có dây mơ rễ má nào liên hệ với nhau. Ác cảm. Ngay phút ban đầu đặt chân xuống đất mẹ cũng phải bị nộp tiền mai lộ mới được hanh thông chuyện đi đứng. Ôi, ta vẫn ngỡ bọn thảo khấu Lương Sơn Bạt chỉ có trong võ hiệp kỳ tình giả tưởng mà thôi!
– Cha mẹ Ôi! Bơ sữa của bọn đế quốc đã đầu độc huynh mất rồi! Sao lại phát ngôn linh tinh ra thế? Nhập gia thì phải tùy tục.
Đằng Vo chưa phản ứng chợt có tiếng chuông ré lên. Trong túi áo Kiếm Văn dấu gọn cái vật phát tiếng thúc bách ấy. Cầm điện thoại di động như tựa một cái tai heo, Kiếm Văn áp nó vào má và sắc diện luôn thay đổi khi đón nghe lời nhắn nhủ thì thầm.
– Thật là đường đột. Xin thứ lỗi, đệ có chuyện khẩn phải đi ngay. Huynh cứ ngồi yên vị mà nhấm nháp, thoải mái tựa đang ở nhà mình. Thu xếp công việc xong đệ sẽ dời chân trở về và chúng mình kéo nhau đi nhà hàng đặc sản cao cấp đánh chén.
Xe gắn máy đời mới sản xuất ở nước đàn anh Trung quốc vĩ đại từ nhà sau được dắt ra. Máy nổ dòn, Kiếm
Văn leo lên yên.
– Nhớ nhé, chớ buồn chân đi thơ thẩn mà lạc mất nhau. Đi đái đi ỉ? thì cứ tỉnh bơ lui nhà sau xả bầu tâm sự.
– Được. Ta đợi. Tám giờ tối là hạn cuối.
– Quân tử nhất ngôn.
– Đinh mười phân đóng chặt vào gỗ.
Xe hai bánh phun khói lại ở sân mang bóng hình Kiếm Văn vụt mất như gió thoảng. Đằng Vo khui thêm bia, mặt đỏ ké và lò dò tới đối mặt với tấm tranh. Thiếu nữ đứng trần truồng bất động ấy khoảng tuổi đôi mươi, tuy bị dát mỏng hình hài trên mặt bố phẳng nhưng Đằng Vo cũng mường tượng ra những vùng thật sung mãn nhô ra ngoài. Tràn đầy, căng cứng. Bắt chước tiền nhân, Đằng Vo cũng thò tay sờ nắn thử. Nếu ta làm chủ được xác thân kia thì những đứa bạn mà ta kết giao đều phải có lý lịch là thái giám trong sạch, ba đời không nuôi chim, đảng viên đảng dị ứng đàn bà.
Ý nghĩ ấy làm Đằng Vo mắc đái, vén màn vải in hình chùa Một Cột lui gian nhà sau. Chạng vạng ngoài trời và tù mù phòng vệ sinh ám tối. Bước chân thôi dọ dẫm khi ngọn đèn néon xanh tái mở bừng con mắt trên đầu Đằng Vo. Có tiếng cười nhẹ sau lưng.
– Công tắc đèn nằm đây chứ nào phải bắt ở đó mà đưa tay sờ soạng.
Đằng Vo quay đầu, sững sờ tới độ chẳng rút được bàn tay đang mân mê những hạt nút vừa cởi ở quần. Giống như chuyện liêu trai, người vừa gióng tiếng giễu cợt đó là một thiếu nữ mặt hoa da phấn. Cô đã sống động từ bức tranh bước ra, không quên mặc vào người bộ đồ ngủ bằng hàng lụa mỏng. Được ôm con ma ấy vào lòng có chết cũng cam, Nghĩ vậy Đằng Vo chẳng chút hãi sợ, nao núng.
Nói cho khoa học biện chứng, bia trong người Vo đã trao cho Vo sự can đảm. Đồng thời nó có vẻ xúi giục Vo, khích lệ một cuộc tổng tấn công. Tiền pháo hậu xung, lấy thịt đè người. Ôi, nhà thì quạnh quẽ mà nhà ấy lại chứa độc có cảnh trai đơn gái chiếc. Cái ấy là ý nghĩ sáng suốt của ta chứ không phải do bia Heineken xúi dại.
– Vo này lưu lạc đã lâu, đi đã gần cùng khắp mọi chốn nhưng thề với em ta chưa từng gặp ai mang thứ nhan sắc diễm tuyệt như em đang có. Phút đầu, khi ngó lên bức tranh, lòng ta đã thoáng giao động, nhuốm mùi tục lụy sững sờ. Nói cho ta biết em tên chi? Nhắc nhở cho ta hay đây là hiện thực mà không hề là mộng ảo.