Truyện ngắn chiếc vòng hoa do Truyendammy.vip sưu tầm đọc truyện ngắn chiếc vòng hoa.
Xem truyện ngắn: Chiếc vòng hoa
Tác giả: Luigi Piradello
Dịch giả : Hoàng Hải
Bác sĩ Xima dừng lại ở cổng tòa thị chính, ngôi nhà nhô cao trên ngọn đồi, ngay ở lối ra vào miền này; ông đứng im lặng một lát nhìn hàng rào sắt thô sơ, hai bên có hai cột cái cũng không kém phần sơ sài chống đỡ, sau cột có hai cây trắc bá nhỏ trông ảm đạm (ảm đạm, mặc dù có một vài dây hồng leo uốn lượn quanh cây giữa màu xanh lá sẫm). Ông nhìn lối đi dốc đứng từ cổng rào lên đỉnh đồi, giữa đám cây hiện ra một lầu bát giác trông giống như ngôi chùa. Để thay đổi dòng tư tưởng, ông muốn đi dạo một vòng quanh ngôi biệt thự cũ kỹ này hòng khắc phục tình trạng tê cứng của chân tay đang bị cái nóng của nắng mới làm nặng chình chịch.
Bóng mát quả đồi phía bắc đượm đầy hương thơm hoang dại; mùi thơm đăng đắng của mận rừng, hương thơm ngào ngạt đến nhức mũi của đan sâm và bạc hà. Từ đám cây nổi lên tiếng ríu rít liên hồi của những con chim nhỏ chào đón niềm vui, mừng mùa xuân êm dịu đã trở về. Và bác sĩ Frăngxexcô Xima chậm rãi bước lên phía ngôi biệt thự nhỏ bé, hít thở một cách khoái trá làn không khí sực nức hương thơm kia. Nó khiến ông hoan hỉ và ngây ngất đến nỗi ông gần như nói năng lẩn thẩn trong tình trạng say sưa tuyệt diệu.
Cảnh tượng những cây cối trở lại xanh tươi mở ra trước mắt trong sự phóng túng yêu kiều, đàn bướm trắng bay lượn trên các luống hoa, đã khiến cho những ý nghĩ không thể nào vui của bác sĩ có một vòng hào quang gần như nhẹ bỗng, một dáng dấp của giấc mơ.
Sao mà nó đẹp thế, ngôi biệt thự nhỏ bé, yên tĩnh, giữa một khung cảnh vắng lặng!
– Giá nó là của mình nhỉ…
Và kia, lồng ngực ông phồng lên vì một điều mong muốn không thỏa mãn được, nào ai biết đã có bao nhiêu người đến đây dạo chơi chỉ để thở dài như ông lúc này: Giá nó là của mình!…
Bởi vì chính số phận các cảnh vật thuộc về tất cả mọi người là không riêng của ai.
Cứ mỗi bước, một cái cọc lại hiện ra với tấm bảng: “Cấm giẫm lên luống hoa, cấm chạm vào cây cối; Cấm hái hoa”.
Khi đi qua, chúng ta chỉ có độc một cái quyền là liếc mắt nhìn. Vì chung, dinh cơ muốn nói: “tôi”, chứ không nói “chúng ta”. Và bác ở đây, có một người có thể nói “tôi”: bác làm vườn. Bác là ông chủ thực sự, lại còn được trả tiền để làm ông chủ nữa chứ. Bác có một ngôi nhà để ở, và bác bán những bông hoa thuộc về tất cả mọi người, không của riêng ai.
Một tiếng hát rung động hơn tất thảy, bỗng gợi lên trong tâm trí bác sĩ kỷ niệm cụ thể về một lần nghỉ mát xa xưa ở cái trại cũ kỹ, giữa đám cây trên đồng quê bát ngát. Trại được vui thêm vì ngay bên là biển. A! Hồi ấy bác sĩ còn trẻ, một chàng trai khá xấu nết, rất mê săn bắn. Bao nhiêu chim chóc bé nhỏ tội nghiệp đã bị cậu ta giết chết.
Những lo âu, bực bội và thất vọng mà nghề thầy thuốc gây ra cho ông hầu như lắng đọng trong đáy lòng. Nhưng nỗi luyến tiếc là cái tuổi bốn mươi đã đi qua mấy tháng nay vẫn chưa nguôi: thời kỳ đẹp đẽ nhất của cuộc đời ông hầu như đã trôi qua, vậy mà ông chẳng tận hưởng tuổi thanh xuân.
Nhất định phải có bao nhiêu hoan lạc có thể hưởng thụ được trong cuộc sống ấy chứ! Phải rồi! Cuộc đời có thể đẹp lắm: một ban mai xán lạn như buổi này chẳng bù đắp được bao nỗi phiền muộn và bao chuyện trái ý hay sao?
Bác sĩ dừng lại khi sực nghĩ đến một điều: quay về nhà tìm người vợ trẻ (bác sĩ mới cưới vợ bảy tháng nay) để cho cả vợ cũng được nếm mùi vị kỳ diệu của cuộc dạo chơi này. Ông dừng lại, do dự một lát, rồi lại từ từ bước trên lối đi.
Không, sự kỳ diệu này là của mình ông thôi; có lẽ vợ ông cũng cảm thấy y như vậy, nếu tự cô ta đến đây dạo chơi không phải do ông mời. Nhưng nếu họ cùng có mặt ở đây thì sự kỳ diệu sẽ tan biến đi với ông rồi đó. Vị cay đắng của nỗi buồn man mác ấy, mới đây ông chỉ cảm thấy đôi chút, lúc này đã siết chặt tim ông.
Chẳng phải vì ông có điều gì chê trách vợ. Cô bé tội nghiệp hiền lành biết bao. Nhưng cô ta kém ông khoảng mười tám tuổi, cô vừa tròn hai mươi; còn ông thì râu tóc hai bên thái dương đã hoa râm.
Bảy tháng trước đây, khi cưới cô, ông đã hy vọng tấm lòng quý mến của cô đối với ông trong thời gian đính hôn ngắn ngũi sẽ chuyển sang tình yêu. Chỉ cần cô thấy được mặc dù tóc ông đã bạc, ông vẫn yêu cô như một đứa trẻ. Trước cô ông chưa từng yêu một người đàn bà nào khác.
Mơ ước đấy thôi! Tình yêu, tình yêu thật sự (ông cảm thấy rõ ràng) vẫn chưa nảy nở trong lòng vợ ông; có lẽ nó sẽ không bao giờ nảy nở. Cô cười nụ với ông, tỏ ra bằng nghìn cách là cô yêu ông, nhưng đó chỉ vì bổn phận.
Có lẽ nỗi buồn của ông cũng không đến nỗi nặng nề nếu một vấn đề danh dự nào đó đã không ngấm ngầm làm cho nó thêm nghiêm trọng. Vấn đề danh dự ấy ngăn trở không cho ông có những suy nghĩ hơi cay đắng nhưng đầy tính chất phác, bao dung đối với người bạn đời trẻ trung của mình, qua đó ông vẫn có thói quen tha thứ và chịu đựng bao nhiêu việc khác trong đời.
Hồi còn con gái, với nhiệt tình của tuổi mười tám, vợ ông đã say mê một chàng học sinh trung học, chết vì bệnh truyền nhiễm. Ông biết chuyện đó bởi vì bấy giờ ông được mời đến bên giường chàng -lại mời trúng ông- với tư cách là thầy thuốc. Và ông biết, hồi đó, chỉ một suýt nữa là nàng phát điên vì đau khổ; nàng đã cấm cung trong một căn buồng tối qua nhiều tuần liền, từ chối không tiếp ai hết; cũng không ra khỏi nhà và muốn đi tu nữa. À! Trong vùng người ta đã nói ra nói vào bao nhiêu điều. Tất cả lớp thanh niên thành thị đều cảm động trước tình huống ác nghiệt; tình yêu của đôi trai gái bị cái chết làm tan nát. Bởi vì con người tội nghiệp đã quá cố kia đã được mọi người quý mến. Chàng có một trí óc linh lợi, có nét mặt thanh tú, phong cách lịch sự, thái độ vui vẻ, lễ phép; còn nàng, khóc thương chàng một cách tuyệt vọng, nàng được đánh giá đúng đắn là một trong những cô gái đẹp nhất vùng.
Một năm sau, khi chiều theo sự nài ép của cha mẹ, nàng bằng lòng đến dự một vài buổi hội họp, diện mạo, thái độ, vẻ buồn rầu và nụ cười gượng gạo của nàng đã gợi lên cho tất cả, nhất là trong đám trai trẻ, một sự ngưỡng mộ thành kính, một sự trìu mến đầy nhiệt tình. Được nàng yêu, dứt nàng ra khỏi nỗi đau đớn khôn nguôi, nhắn nhủ nàng về với cuộc sống, với tình yêu, với tuổi trẻ đã trở thành ước mơ và hy vọng của tất cả lớp thanh niên.
Nhưng nàng vẫn cứ khăng khăng đeo cái tang của mối tình dang dở. Không phải chuyện làm điệu làm bộ đâu, không phải. Nhưng dần dà có kẻ nào bắt đầu xì xào một cách độc ác rằng tuy khiêm nhường và kín đáo thế, nhưng nàng cũng phải cảm thấy một sự thích thú nào đó trong nỗi đau khổ của mình, nó khiến nàng thêm thân thương và thêm xứng đáng được ngưỡng mọt trước mọi người.
Có lẽ người nào phát biểu như thể chỉ vì ghen tị hay hờn giận mà thôi, chứ trong bộ quần áo tang, quả thực nàng không có ý muốn hấp dẫn mạnh hơn; chứng cớ là chỉ trong vài tháng nàng đã từ chối bốn năm đám cầu hôn, những đám đứng đắn và khá nhất vùng.
Từ ngày xảy ra điều bất hạnh đối với nàng, sau những lời khước từ kiên quyết đến như vậy, đã hai năm trôi qua chưa ai dám đến hỏi nàng, thì bác sĩ Xima bất chấp lời khuyên nhủ của bạn bè đã dấn thân đến. Vậy mà thưa quý vị, bỗng nhiên ông được chấp thuận đấy…
Tuy nhiên, sự kinh ngạc ban đầu qua đi, ai nấy bắt đầu giải thích lý do thắng lợi đó. Cô ấy bằng lòng bởi vì bác sĩ không còn trẻ nữa, không ai còn có thể nào cho rằng cô lấy ông vì tình, một tình yêu thật sự. Cô ấy ưng thuận ông vì chính ông cũng chẳng bao giờ đòi hỏi được yêu như một chàng trai trẻ; ông sẽ hài lòng với một mối tình lặng lẽ và ấm áp, xây dựng trên sự quý trọng, biết ơn và tận tụy.
Cả ông nữa, ông cũng sớm hiểu rằng chẳng thể khác được. Và ông đã đau khổ ghê gớm; ông vẫn còn đang đau khổ. Hàng ngày, bao lần ông phải tự kìm chế hết sức, lúc thì để kìm hãm một niềm hứng khởi bồng bột, lúc gắng không để lộ một nỗi cay đắng gay gắt. Đối với ông, đúng là một sự giày vò thực sự khi thấy mình có một trái tim son trẻ mà không thể nói ra, không thể bộc lộ, vì sợ sẽ mất đi lòng quý trọng và sự hàm ơn mà nàng đã đem cho với giá đó. Ông phải kìm hãm nỗi hưng phấn của tình yêu, đối với ông nó là mối tình đầu mà cũng sẽ là mối tình vĩnh cửu.
Ồ! Còn trẻ, hơn nữa nếu còn nhỏ, ông có thể sống mãi cho một người đàn bà duy nhất: cho người mẹ già của ông, nhưng bà cụ mất đã ba năm nay rồi! Bà cụ có thể cảm thấy cùng với con mình sự kỳ diệu của buổi sáng tuyệt vời này, và không do dự gì hết, ông sẽ chạy về nhà tìm mẹ, bà mẹ thuần khiết, để cùng hưởng với ông cái thú vị của nắng ấm đầu mùa. Nhất định ông sẽ thấy mẹ ngồi gọn lỏn trong một góc, chuỗi tràng hạt trên tay, miệng lâm râm cầu nguyện cho tất cả các bệnh nhân mà ông đang điều trị. Nghĩ đến đó, bác sĩ Xima mỉm cười, lòng buồn dìu dịu, vừa khẽ lắc đầu vừa đi vào con đường nhỏ dẫn tới biệt thự trên đồi. Cầu nguyện cho tất cả các bệnh nhân ông đang chữa chạy, bà cụ đáng kính đã tỏ ra chẳng tin tưởng gì lắm vào ông, vào khoa học của ông. Một hôm, ông vừa vui đùa vừa trách bà cụ, thì bà cụ đáp lại ngay là cụ không cầu nguyện vì chuyện đó, mà là cốt để Chúa giúp đỡ ông chữa khỏi các bệnh nhân thôi.
– Thế mẹ tưởng không có sự hỗ trợ của Chúa trời thì?…
Bà cụ chẳng để ông nói hết lời.
– Con nói sao? Sự hỗ trợ của Chúa thì bao giờ mà chúng ta chả cần, hả con?
Và bà cụ cứ cầu nguyện, cầu nguyện từ sáng đến tối đến nỗi ông hầu như mong muốn số bệnh nhân bớt đi để mẹ đỡ mỏi miệng.
Ông lại mỉm cười. Nhớ đến mẹ, những ý nghĩ của ông lại mang hình thái huyền ảo của giấc mơ; sự kỳ diệu đã lại được tái tạo.
Bác làm vườn mới đang rẫy cỏ ở một bãi cỏ nhỏ phía trên bỗng làm ông sực tỉnh giấc mơ.
– Ồ! Thưa bác sĩ, tôi đang ở đây! Ông tìm tôi có lâu lắm không ạ?
– Tìm ấy à, không, thực ra…
– Xong rồi ạ, xong ngay từ lúc tám giờ.
Tay cầm chiếc mũ nồi, trán râm rấp mồ hôi, vừa nói, bác vừa tiến đến gần bác sĩ.
– Nếu bác sĩ muốn xem thì xin mời vào trong lầu bát giác. Mời bác sĩ đi.
– Xem cái gì nhỉ? Bác sĩ đứng im hỏi, tôi không rõ…
– Thế nào, bác sĩ! Vòng hoa ấy mà!
– Vòng hoa à?
Bác làm vườn đứng im nhìn ông, đến lượt bác sĩ cũng ngạc nhiên như ông.
– Xin lỗi ông, có phải hôm nay là ngày 12 không? Hôm nay ý?
– Thì sao?
– Thế hôm kia, ông không sai bà giúp việc đến đặt tôi làm một vòng hoa cho hôm nay hay sao?
– Tôi ấy à…Đặt cho ngày 12? À mà phải…Bác sĩ làm ra bộ sực nghĩ ra. Tôi đã sai…Phải rồi…Tôi có sai bác giúp việc…
– Hoa hồng với lại hoa tím mà? Ông không nhớ à? Và bác làm vườn lại cười ông bác sĩ hay quên. Vòng hoa đã làm xong từ tám giờ sáng nay! Mời ông đến xem nhé.
May sao, bác làm vườn bước đi và do đó không nhận thấy nét mặt bác sĩ chợt biến sắc. Ông đi theo bác như một người máy, mắt lộ vẻ ngạc nhiên, buồn bã, miệng và hai bàn tay mở rộng.
Một vòng hoa? Vợ ông đã lén đặt làm một vòng hoa? Mà phải, ngày 12 đúng là ngày giỗ cậu kia. Sau ba năm, nàng vẫn còn nhớ ngày này sao? Và bây giờ, đã lấy chồng rồi mà cô ta vẫn gửi vòng hoa đến cho cậu ấy? Vợ của một người khác kia mà! Cô ta e lệ là thế, khiêm nhường là thế, sao lại có thể táo tợn quá vậy? Cô ta yêu cậu đó đến thế kia à? Kỷ niệm về cậu ta vẫn còn mãnh liệt trong thâm tâm cô ấy đến thế sao? Nhưng vậy thì tại sao cô ta lại lấy chồng? Nếu trái tim cô vẫn thuộc về cậu ta và phải thuộc về riêng cậu ta thôi? Tại sao? Tại sao vậy?
Vừa ngẫm nghĩ như vậy, bác sĩ vừa đi theo bác làm vườn. Ông muốn xem cái vòng hoa đó; đúng, ông muốn xem để được thấy tận mắt vợ ông đã có gan làm cái chuyện lừa dối như vậy, phản bội như vậy.
Khi ông nhìn thấy nó trong góc lầu bát giác, dựng trên cái bàn sách, dựa vào tường, ông thấy dường như nó là để dành cho ông vậy, và ông cứ đứng ngắm mãi.
Bác làm vườn lại hiểu cái việc ông đứng ngắm vòng hoa theo ý bác.
– Đẹp đấy chứ? Bác hỏi. Bông hồng nào, bông tím nào cũng tươi roi rói, hái từ tinh mơ mà…Làm biếu ông đấy: một trăm lia thôi! Nếu ông biết tôi đã tốn bao nhiêu công sức để ghép từng bông tất cả những bông hoa tím ấy! Lại còn những bông hồng nữa…Mùa đông hiếm hoa, sang xuân ai cũng đòi hỏi…Một trăm lia thật chẳng đáng bao nhiêu, nhẽ ra ông phải cho tôi thêm ít ra hai chục nữa.
Bác sĩ định nói, nhưng ông cảm thấy bị hụt giọng: ông hé môi để lộ nụ cười nhợt nhạt và gắng gượng.
– Tôi…Trả tiền vòng hoa cho bác à? Phải rồi, trăm đồng có là bao…Hoa hồng với hoa tím, phải…Trăm hai à? Thì đây.
– Xin cảm ơn bác sĩ. Bác làm vườn vừa cầm lấy tiền vừa vội vã trả lời. Xin ông hãy tin cho là tôi đáng được món tiền ấy.
– Bác cứ để nó ở đây, bác sĩ miệng ngắt lời, tay bỏ ví vào túi. Nếu bà giúp việc đến bác đừng có giao cho bà ấy. Tôi sẽ đích thân đến lấy.
Và ông ra khỏi lầu bát giác đi xuống, rẽ ngoặt. Khi cảm thấy chỉ còn có một mình và đã ở chỗ khuất, ông đứng dừng lại, nắm chặt tay. Nét mặt ông nhăn lại thành một cái nhếch mép cay đắng:
– Chính mình lại trả tiền vòng hoa cho cô ta…!
Bây giờ ông phải làm gì đây? Túm lấy cô ta, chẳng làm gì để cô ấy đau đớn, dẫn cô ấy trả bố mẹ; đó, cô ấy xứng đáng như vậy. Và cô ta cứ việc khóc người tình quá cố của mình ở mãi tận đâu đâu mà không được cướp đoạt mối tình của một người đàn ông lịch sự, ít nhất cô ta cũng có bổn phận phải kính trọng. Chả có sự kính trọng gì hết! À, cô ta đã khước từ đám trai trẻ và đã chọn mình, một anh già (so với cô ta) bởi vì anh này chẳng thể nghĩ đến chuyện đòi hỏi tình yêu với bộ râu và mớ tóc đã hoa râm. Đối với nỗi đau khổ cũ của cô ta, anh già sẽ phải làm ngơ và không thể có ý kiến gì cả.