VN88 VN88

Cái xác Ngọc Lam

– Nguyên là thế này. Hòn đá này phải ăn chất vỏ dó. Thiếu nó thì cái người nằm khóc trong đó mọi ngày cho ông nghe sẽ phải chết khô. Ông nhiều việc không hay để ý đến, chứ thực ra từ ngày mang đá về, tôi đã mang theo về bao nhiêu là bó vỏ dó để ngày ngày ấp lên đá cho người trong đó ăn. Gần hết, tôi lại đánh giấy ra Bắc cho người bà con gửi vào. Từ hôm bị bệnh, đột ngột nằm xuống, không kịp dặn ai thay cho việc bón đá, đến nay là quá mười ngày, người trong ấy chết đói rồi chứ còn gì nữa.
– Vậy bây giờ nếu phải đập phiến bạch thạch ra để cứu lấy người trong đá thì ông cứ tùy tiện mà làm.
Một nhát búa. Một tiếng xé rất khô gọn và ít mảnh vỡ bắn tung lên. Hòn đá chẻ ra làm hai theo chiều ngang và phần trên khi đã bật ra thì quỷ thần ơi! Có một người đàn bà rất xinh bé đang nằm ngủ. Nàng mặc một cái áo lam, xiêm cũng màu lam. Lúc ông Chiêu Hiện đã nhẹ nhàng ẵm nàng ra đặt lên giường thì mảnh phiến đá vỡ vẫn còn in khuôn những nét hình một tấm thân người nhỏ, nhiều khoảng trũng xuống như chỗ đựng nước trong một cái nghiên dùng viết đại tự.
Chiêu Hiện rờ vào ngực cô Dó thấy còn nóng, vội gọi gia đinh đem cái bó vỏ dó ông cất trong kho ra ngay mau. Chúng đều trả lời rằng không biết ai đã tưởng là thứ dây dợ gì lấy đi gói buộc hết cả rồi. Cái tia hy vọng cuối cùng đã tắt nốt. Ông Chiêu Hiện dẫm chân kêu giời, nước mắt đỏ như máu, tiếng mất hẳn đi. Bèn lấy giấy, bút đàm cùng ông huyện: “Ông phải làm ngay hai việc: nhất diện là cho đánh xe đi lên Sài Goòng về các miền lục tỉnh, vét lấy hết giấy bản của ta, chứ giấy moi và giấy tàu của các Chú chế ra thì vô dụng. Một mặt nữa thì cho đánh ngay dây thép ra Bắc – theo địa chỉ này – bảo phải gửi ngay vào cho dăm kiện vỏ dó theo lối đại tốc”.

Trong lúc chờ giấy bản, vớ được mươi quyển chép dở những thi ca của mấy chỗ thế gia ngoài Bắc, ông Chiêu Hiện đem xé vò ra, chất thành một đống to, đốt sưởi cho cô Dó hồi lại. Người đá chết lả đã dần dần tỉnh lại, ngón tay động làm buột rơi một cuốn sách nhỏ ngoài bìa bằng lá cây có nét kim khí vạch sáu chữ “Chu Ngũ Lương Nhân Hoài Khúc”. Cô Dó mắt vẫn còn nhắm nghiền nhưng môi đã mấp máy được và đang hé cười. Những những luồng khói đặc ở luồng giấy bản đã thưa loãng dần. Khói tắt, hương giấy tàn đi, người cô Dó càng lạnh, lạnh thêm lạnh mãi rồi cứng chắc lại, mồm ngậm kín một khóe cười không kịp nở hết. Cô Dó đã trở nên người thiên cổ. Cô Dó đã thành người của một thế giới khác, của một thế giới ngọc đá muôn năm. Cái màu xanh ở tấm áo đã đậm và bóng hẳn lên thành một thứ ngọc lam trong sáng.
Bên tử thi đá lam, có một người nấc lên mấy tiếng. Ông Chiêu Hiện tưởng còn có thể điên cuồng thêm nữa khi lũ gia nhân sai đi mua giấy bản về đưa trình vẻn vẹn được độ ba trăm tờ hoen nhàu với một câu: “Dạ, chúng con đang cho xe lên Sài Goòng và về cả lục tỉnh mà cũng chỉ vơ vét được có bấy nhiêu. Dạ bẩm trong này ít dùng thứ giấy này. Việc quan và tư thảy đều dùng có giấy tây thôi”. Ngẫm nghĩ một hồi lâu, Chiêu Hiện trấn tĩnh được lòng tiếc và tự nhủ rằng thôi chẳng qua ông huyện Khỏe có cái số không được làm quý nhân nên quý vật nó mới không chịu ở với. Và cô Dó đã nhất định đi, giá có nấn ná lùi lại đến lúc này chờ giấy bản về kịp, thì cái đệp giấy khốn nạn mỏng và biển lận kia cũng không đủ để sưởi nóng cô, hồ cầm lấy chút hơi tàn mà chờ vỏ ở Bắc gửi vào theo lối đại tốc. Sau phút lấy nước ngũ vị tắm cho thi hài đá lạnh, Chiêu Hiện thấy lòng chứa chan hối lỗi vì đã phạm vào tội giết mất một thứ ngọc sống. Vì có biết thế này thì đã không khi nào ông dìu ngọc vào đất Sài Goòng để đến nỗi đắc tội với ngọc đá và đánh hỏng cả cuộc đời một vật báu. Chiêu Hiện lại khóc lên ba tiếng để sau ba tiếng của mình khóc ngọc tị trần vừa dứt thì tiếp theo nghe đến ba tiếng cười của ông huyện Khỏe. Ông huyện Khỏe đã ôm lấy xác cô Dó vui reo ồn ào:

– Trời, té ra là ngọc thạch. Thúy ngọc ông Chiêu ạ. Một khối ngọc toàn bích. Việc gì mà ông buồn khóc. Thì ra trước kia nó là thứ ngọc biết nói. Mất người nhưng chúng ta vẫn còn lành vẹn một phiến ngọc ví bán đi thì có thu về được cơ man là tiền bạc. Hoặc là bán, hoặc là để đem làm vật tạ lễ một vị quan thầy. Người ngọc ví có còn sống để lên tiếng một đôi khi mà làm vui cho đám tửu đồ nhà tôi thì cũng vẫn là một sự đáng quý đấy. Mất đi ai chẳng tiếc. Nhưng mất người mà còn sót lại ngọc, thì cái di hài này có lẽ còn quý giá hơn người lúc sống kia đó vậy. Để tôi đem dâng cho quan thầy tôi…
Thôi, nín đi mà bác Chiêu.
Chiêu Hiện đã nín thật. Nghe giọng lưỡi ông huyện Khỏe, ông Chiêu thấy khắp mình toát ra một thứ mồ hôi dầu. Trời, thế này thì ra từ bao nhiêu lâu nay ông đã thờ nhầm phải một người có nhân cách đê hạ quá. Đã thấm chưa! Ở vào một trường hợp tang tóc ngập lòng này, lòng người ta phải đau rầu gấp bội lòng người chết vợ trẻ hiền, mà ông huyện Khỏe đã vội tính đến nước bán Xác Ngọc, cũng là cho ngọc đi ở vào cửa hầu nhà khác thì tưởng không còn sự tuyệt tình nào phụ bạc hơn được nữa. Nhớp đến thế là cùng. Một người đã vô sở bất chí đến như thế thì còn cái gì ở thế gian này mà hắn không làm đến. Có khi rồi, nếu không sớm liệu, thì ông ta sẽ bán đến cả mình nữa như bán một tên nô lệ cho chủ khác. Ngọc về ở với ông ta, chẳng may xấu số về giời sớm, ngọc đấy mà ông ta còn đòi bán đi nữa, huống chi là mình. Ở sát cạnh một người thiên về danh lợi quá đến nỗi không còn lấy mảy may tình ý về kỷ niệm; cứ ở gần kề đứa bạo ngược, không sớm liệu thì rồi vạ kéo đến cũng chỉ một sớm một chiều đấy thôi.

Ngay đêm ấy, Chiêu Hiện đã bỏ ông huyện hàm. Lúc bỏ đi, không thèm chào, không thèm đem theo một vật gì là tặng phẩm của ông huyện vẫn đưa từ trước tới giờ. Chỉ để lại có mỗi một lá thư, trong nói là về Bắc chữa cho khỏi ít cố tật trong người; không dám hứa là có quay trở lại với ân nhân cũ nữa không, nhưng dẫu sao ơn ngày trước tưởng cũng đã đáp lại được chín mười bằng một cái tử thi ngọc xanh đó.
Mười mấy năm bỏ làng đi vào trong làm… cho một tên bạo phú, giờ về quê cũ, một tấm vải đắp lên cái thân dầu dãi đã cuối chầu, ông Chiêu Hiện qua sông Hát Giang lại nhớ lời thề cũ là không có ngựa xe thì không chịu qua cầu Phùng đây mà lộn về phủ Quốc. Nỗi buồn ấy đã thấm vào đâu khi Chiêu Hiện lộn lại làng Hồ Khẩu hỏi thăm về sự làm ăn của nhà họ Chu. Thì ra, từ ngày bị đánh tráo phiến đá nghè, nhà ấy làm ăn mỗi ngày một xuống và giấy Chu Hồ bây giờ đã là một câu chuyện gần như cổ tích, một câu chuyện chỉ còn thuộc về lịch sử giấy đẹp của nghìn xưa.
Để duy trì cái sống hàng ngày, nhà họ Chu bây giờ cũng làm giấy nhưng là giấy moi…
Lòng nặng về tội ác, ông Chiêu Hiện có chép lại việc này, đủ ngành ngọn vào cuối cuốn gia phả tỏ ý ăn năn nhiều về chỗ đã giết chết mất ngọc biết nói và dặn con cháu từ sau chớ nên xúc phạm vào bất cứ một phiến đá tảng đá hòn nào; mặc dầu nó có là đá bên đường đi nữa.
Sau đấy một tháng, chứng bệnh cũ miên nhất khí bỗng phát lại và lần này thì ông Chiêu Hiện ngủ luôn một giấc để lũ con đưa ra một cánh đồng tỉnh Sơn Tây, huyệt đào sâu xuống mới có nửa thước, đã thấy lởm chởm lổn nhổn những đá tổ ong.

(Truyện ngắn cực hay tại Truyendammy.vip)

VN88

Viết một bình luận