Có như thế. Sau khi cậu Năm cho đổ hết hòe xuống hồ – làm vàng ố cả một vùng xanh trong – thì cô Dó cất cơn ngay. Lò giấy nhà họ Chu, thôi hẳn việc chế giấy sắc vàng lại cũng từ đấy. Ngày tháng. Hai người càng yêu nhau trong ca vui và cần lao; trăm năm cũng già. Không, cô Dó vẫn trẻ. Chỉ có cậu Năm là già đi vì cậu vốn thuộc chất dương và vốn thời gian chi phối. Cậu Năm chính là ông cụ tổ ba đời của ông cụ họ Chu được nhà vua cho quan bộ Lễ vời vào kinh để sung một chức ở Cẩn Tín viện đấy.
Cậu Năm trăm tuổi đi rồi, cô Dó đêm đêm ra ngồi ở ven Hồ Tây và ven sông Tô có mấy tháng liền, sự nhớ thương lại biến thành nhiều khúc hát buồn và những bài ca điếu ấy, cô có chép vào một tập đề là “Chu Ngũ Lương Nhân Hoài Khúc” giữ luôn dưới lòng đá và nét chữ cô Dó lởm chởm nhọn hoắt và so le như ngọn cỏ bồng. (Mấy mươi đời sau, đâu có một người tài về môn cách vật trí tri bảo đấy là thứ chữ không phải của loài người chế lấy mà dùng; nó là thứ chữ Sơn Hoàng của Chúa Rừng truyền dạy cho các hồn cây hồn quả hiến viết lúc dâng bài Chúc Thọ và chỉ những người nào có số hổ vồ là đọc thông được thôi).
Phiến đá xanh nghè giấy, từ cụ Năm về giời, bỗng trắng toát ra. Phiến bạch thạch lẫn vải bố góc bàn thờ mới. Sau ba năm, cô Dó rất có thể lộn về rừng- cái quê hương cũ vốn muôn năm xanh vui của mình. Nhưng không, cô vẫn còn thương cậu Năm nhiều lắm và thề ở lại giúp và dựng cho lũ con lũ cháu và lũ chắt nhà chồng, có cái định kiến là đến bao giờ dân trung châu hạ bạn tuyệt nghề làm giấy bản thì cô mới bỏ nhà chồng và lộn về rừng. Từ ngày theo chồng về Hồ Khẩu cho đến quá về sau cái thời chồng chết, người quả phụ ấy chỉ có một lần tìm đường qui ninh về rừng thăm lại Mẹ Ngàn.(Cô Dó quy ninh đâu vào cái khoảng người cháu bốn đời nhà cậu Năm)
Từ cậu Năm mất đi, con cháu nhà họ Chu lại trở lại tập quán cũ, nghĩa là nghè giấy vào lúc ban ngày. Dưới đá trắng cư tang, nghe những âm chầy non dại đổ xuống dó ướt, cô Dó mỉm cười. Thương trẻ, đêm đêm Cô lại hiện ra, hà ít hơi mình vào giấy và lấy tay vuốt từng tờ giấy một. Giấy Chu Hồ vì thế vẫn giữ được vẻ quý mà riêng lũ con cháu nhà cậu Năm thì vẫn không biết lấy mảy may về sự hiển linh nhà mình. Đời ấy và đời khác…
Năm 1925 vào cuối đời Hoàng Tôn Tuyên Hoàng Đế, đất Nam Kỳ, trấn Gia Định… có một ông huyện… tên là Khỏe. Ông huyện Khỏe là một người phú quý tột bực, hay gây ra nhiều điều thất đức. Lúc trẻ tráng, cái lối ngông lối hợm của ông huyện Khỏe lại… vô địch nữa. Điền địa của cha mẹ để lại cho thì là bờ xôi ruộng mật, đều là nhất đẳng điền cả. Thủa ấy ông thực là công tử số một, chơi vàng cả một giời và đến ngay đám công tử Bạc Liêu nghe đến danh ông thẩy đều xanh cả mắt… Khoảng thời thiếu niên của ông huyện Khỏe, thật lúc nào cũng là vui như hội Tây.
Giờ ông đã có tuổi vẫn giàu có như xưa nhưng đã trở nên phải chăng trong cử chỉ hằng ngày. Ông chỉ còn đi xe hơi hai mươi bốn ngựa thăm ruộng xa như một đất phong cường và các nhà máy xà phòng, gạo và dầu cù là của ông rải rác ở khắp lục tỉnh. Người thương nhân này lúc về già còn buộc thêm vào cái đời con toán của mình một cái thị hiếu chơi những vật hiếm trên đời. Những đồ vật không cứ là cổ và đẹp nếu là độc nhất vô nhị trên trần thì bao nhiêu ông cũng mua. Và những bực có tài xem đồ cổ ông đều giữ luôn trong nhà, lấy thứ lễ hạng nhất ra mà đãi. Trong đám thực khách nhà ông huyện Khỏe có một người tên là Chiêu Hiện được chủ nhân tin trọng lắm, coi gần như quản gia. Ông Chiêu Hiện quê vùng phủ Quốc, bỏ xứ Bắc vào trong Nam đã lâu, lúc bỏ nhà đi, có chỉ vào cái cầu Phùng mà thề độc rằng “bất thừa xa mã bất quá thử kiều”. Ở Sài Gòng được ít năm, ông Chiêu Hiện bị vướng vào một vụ cướp có án mạng tại Chợ Lớn… Chiêu Hiện thụ cái ơn ấy canh cánh để bên lòng và tự nhủ trong suốt một đời thể nào cũng phải tìm lấy dịp để trả ơn lại ông huyện nghĩa là lúc nào cũng nghĩ đến việc đi tìm báu vật cho ân nhân. Xứ Bắc Kỳ cũng như về mặt nhân vật, về đường bảo vật vẫn còn nhiều cái lạ lắm. Đôi ba năm, Chiêu Hiện lại lộn về một lần để sục xem có được cái gì không. Lần ấy lộn về Hà Nội, không rõ dùng chước thuật gì mà đánh tráo ngay phiến bạch thạch đó, đem về cho ông huyện Khỏe.
Thâu ngày thâu đêm, đá đã qua hết giang khẩu và những con đèo rất hiểm nghèo. Về đến biệt thự ông huyện Khỏe, đá bỡ ngỡ với thời tiết ở đấy quanh năm nóng như lò nung vôi, đá bỗng đổ mồ hôi. Cầm chén rượu rũ bụi, lúc đã thong dong, ông Chiêu Hiện mới đứng lên kể lai lịch đá cho người ân nhân mình nghe. Và quả như lời ông Chiêu Hiện nói, đêm ấy lúc canh đã dịu lạnh, trong phiến đá có tiếng hát giọng buồn. Không rõ lời nhưng nghe cái âm tiêu sái ấy, đến như ông huyện Khỏe mà cũng sụt sùi. Chiêu Hiện bèn dẫn giảng rằng đấy là một trong những bài thương ở tập “Chu Ngũ Lương Nhân Hoài Khúc” của hồn đá làm ra từ lúc thiếu chồng. Tính hay khoe của, ông huyện Khỏe, ngay ngày hôm sau, gửi luôn thiếp danh đi mời các khách quý đến ăn tiệc và “xem một hòn đá biết sụt sịt trong đêm”. Tàn tiệc rượu có một cuộc dạ vũ. Chiêu Hiện mặc đồ lễ… ra xin với quan khách chỉ nên vui nhộn đến đúng giờ tý thôi, nếu có bụng chân thành muốn nghe những tiếng thương xót của hòn đá “nó là cái cớ đẹp của buổi hợp hoan này”. Trong biệt thự im vắng và tắt hết điện chỉ còn leo lét một ngọn đèn cầy. Sau đấy một giờ, lòng đá lại như đêm trước, bật nổi lên những tiếng tương tư thê thảm. Tân khách thẩy đều rơi châu. Tờ mờ sớm, họ ra về và bắt chủ nhân phải hứa là có một ngày gần đấy phải cho họ được xem đến mặt người sương phụ trong đá kia. Và từ đêm ấy, còn tiếp bao nhiêu dạ hội khác. Mới hay, chẳng cứ là tiếng người mà cái tiếng ly khổ của hồn một phiến đá lương thiện có tình lại còn là cái cớ vui cho người đứng ngoài nữa.
Muốn đánh lừa cô Dó phải nhầm lẫn về hoàn cảnh mới gắt để thỉnh thoảng hiện hình ra như trước, ông Chiêu Hiện đã xui ông huyện Khỏe cho đào cả hai bên biệt thự lên, một bên giả làm dòng con sông Tô Lịch, một bên giả làm vùng nước ven Tây Hồ, tiền nhân công tính theo lối nhà nước ngăn đắp đập. Ngày lạc thành cái mẩu hồ lộn sòng và cái khúc sông giả vờ đó, lại tiệc yến. Những tân khách của những kỳ dạ hội cũ đã được nghe đá khóc thì bây giờ lại theo ước cũ đến đây uống rượu nữa để xem mặt cái hồn đá sầu. Nửa đêm ấy, cô Dó hiện ra thật, vẫn mặc tấm áo chàm như ngày ở rừng xa, nhưng dưới gấu đã xé xơ ra cho nó thành tấm áo trảm thôi (áo đại tang) và mớ tóc tang rối như xơ dó vừa ăn vôi. Có bao nhiêu người bừng bừng hơi rượu rải rác núp trong xó tối, khẽ trầm trồ với nhau là đẹp và đoan chính đến bực ấy là cùng.
Cô Dó chập chờn trên nước sông đào, trên nước hồ đắp, tỉ mỉ rờ vào các lá cây thân cây quanh đó. Cô thấy không phải là cây quen thuộc của xứ Bắc. Đây chỉ là những lá cành của kè, cọ, dừa xiêm, vú sữa, măng cụt, sầu riêng thôi. Ngờ ngợ đến sự nguy hiểm của một trung thổ lạ, cô lại vội lẩn ngay vào trong lòng đá trắng. Từ đấy không ra nữa và cũng ít khi lên tiếng nhớ cậu Năm.
Sau đêm ấy ông Chiêu Hiện bỗng nấc lên mấy tiếng rồi lả dần đi. Vực ông vào buồng bệnh, thấy Chiêu Hiện cứ mở thao láo mắt mà thiếp đi đã một ngày một đêm, ông huyện Khỏe biết là chứng bệnh cũ của người quản gia lại phát lại và chỉ dặn người nhà phải ngày đêm túc trực nơi giường bệnh, ngâm giấy phèn vào nước, cứ mỗi giờ lại đổ cho uống, chứ tịnh không phải thuốc thầy gì cả. Mọi khi vẫn thế. Nhưng lần này thì hơi phiền hơn; là đã quá mười ngày rồi mà Chiêu Hiện không thấy tỉnh lại. Mọi lần trước chỉ ba bốn ngày đêm thôi. Bệnh này trong sách Y Dược Đại Toàn gọi là bệnh Miên nhất khí và người nào hay có cái khiếu về hư linh học thì thường hay mắc phải.
Thế mà đến ngày thứ mười hai, ông Chiêu Hiện đã tỉnh lại. Nghe ông huyện Khỏe thuật lại cho hay rằng mình đã ngủ mười hai ngày có dư, Chiêu Hiện đã bốc đứng người dậy, kêu xong hai tiếng “hỏng rồi” thì lăn đùng ra giữa nền cẩm thạch, mồ hôi vã ra như tắm. Không hiểu là cái gì “hỏng rồi”, ông huyện Khỏe mặt như chàm đổ, sợ sệt nhìn con bệnh bây giờ đang lăn lộn như có ai cấu rốn. Đến lúc tỉnh lại lần thứ hai, hai mắt dại dột Chiêu Hiện chán chường nhìn vào khoảng không và miệng – tiếng đã thất thanh, lại nhắc lại: “Hỏng rồi”, đầu lắc mãi như từ chối một cái gì. Chiêu Hiện tập tễnh bước lại chỗ đặt viên đá trắng, ấp tay vào mặt đá, ấp tai vào mặt đá vẫy ông huyện Khỏe lại:
– Đến phải đập vỡ đá này thì may ra mới chữa được người trong ấy, cô Dó không khéo chết mất rồi ông Huyện ạ!
– Ông Chiêu nói chuyện cho tôi rõ đầu cuối với.