VN88 VN88

Cái xác Ngọc Lam

Có cậu Năm nhà họ Chu ở ven hồ Lãng Bạc nghe chuyện lấy làm mê lắm. Vụ bóc dó mùa năm sau cậu Năm bèn dặn dò lại công việc làm ăn cho người nhà trông đỡ lấy lò giấy làng Hồ Khẩu rồi theo luôn bọn thợ bóc dó lên rừng Hoành Bồ. Cậu tìm vào nương dó đánh gianh làm nếp nhà bên suối, ngày ngày ăn cơm lam chấm với tro giang tàn nứa đốt ra làm muối. Cậu Năm nhất định chờ cô Dó. Đôi khi cậu Năm bắt chợt được tiếng hát tiếng trúc, nhưng đến bóng người áo chàm thì từ ngày vào nương, cậu chưa được thoáng một lần nào. Thì ra cái giống tình xưa nay vẫn là thế, lúc không thì chẳng sao, khi mà một bên đã hơi hiểu đến tình ý thì y như e lệ thẹn lánh rồi là bày ra cái trò bất diệt đi trốn đi tìm. Biết có người trai đẹp dưới Kinh tìm đến chỗ cỏ cây muôn năm xanh tươi để chí tình cầu đến cái thanh cái sắc của mình, cô Dó trở nên mất hết tự nhiên rồi lãng hết lối mọi ngày tung tăng trong nương. Và giờ, có cao hứng lắm thì cô Dó chỉ ngồi trong Gốc Dó Thần mà hát cho đủ thành điệu thôi. Thế mà cậu Năm đã chờ bên gốc cổ thụ hôm nào không rõ. Cậu Năm là người có chữ nên cậu ngờ rằng điệu hát cô Dó mang máng như lối trong giáo phường đọc phú và nhiều khúc thì lại có cái âm luật xốc vác của thơ cổ phong năm chữ ngâm bằng một giọng bi tráng khê nồng của người khách hiệp gặp đường cùng. Đến đoạn sau thì dài hơn, trong trẻo như pha lê và vui như tiếng thông reo giữa giời nổi gió. Có dờn dợn chăng thì là cái đoạn chót của bài hát. Nó lơ lớ ấm ế ôi a như lối ma hời đưa võng ru con. Đứt câu hát, lại có tiếng cười gằn và tiếng thở dài. Buồn cho hoang vu và cảm thấy lẻ loi, tay dờ dẫm Năm ta bấm móng tay vào vỏ dó thì thấy từ ruột cây tuôn rơi xuống hai dòng lệ đặc. Trời, như vầy thì đến phải lấy nhau mới xong. Cậu Năm bèn khấn xin cô Dó cho thấy mặt. Bóng dương đã ba lần chếch bên cây to mà cậu Năm vẫn một niềm chôn chân đứng chờ giữa trời. Cây to vẫn im lặng, gió rừng chiều gỡ một cái lá, thả từ chỏm cây vào lòng cậu Năm như trao cho nhau một bức thư không lời.
Ngày thứ tư, mặt giời vừa vươn lên khỏi ngàn trước mặt là đã thấy cậu Năm đứng dướic gốc dó tay cầm một cây rìu lưỡi sáng quắc. Người tình nhân ấy bữa nay trông quả quyết như một người sơn tràng sắp ngả một cây gỗ rừng rồi tay đè rồi đẽo sẹo rồi cốn nốt và thả đà. Cậu Năm vỗ vào thân cây, tiếng nói thất thanh, kêu rằng cậu không đợi được lâu hơn nữa – trong người cậu thấy rề rề mầm bệnh sốt rét rừng và nếu hôm nay cô Dó còn lánh mặt nữa, thì phải phá nhà cô nghĩa là chém cây cổ thụ mà “còn tình chi nữa là thù đấy thôi” rồi cậu xuôi luôn về Kinh đây này cho mà biết. Đến nước này thì cô Dó phải ra. Dưới gốc, kẻ khóc người cười. Cả hai cùng e ấp rồi cùng khấu đầu tạ lỗi. Sóng vai trên cỏ sương hai người bàn đến chuyện đưa nhau về Kinh. Chợt nhìn đến lưỡi tầm sét sáng như nước nằm dưới chân, hai người cười liếc nhau và cậu Năm cầm liệng luôn xuống dưới lòng con suối bạc. Sợ người ta ngượng vì mình và yêu nhau kém tự nhiên đi, mấy con bướm phấn đậu ra những ngọn lau xa. Đàn chim – má cũng ửng hồng lên vì chút thẹn lây – bay đãi lạc đậu lên chòm xanh, chừng cũng cho thế là phải, bèn rủ nhau đi sang rừng khác, sau khi gáy lên mấy dịp tươi nhanh để tỏ mừng. Mấy bụi sim quanh quất gần đều cho mở một loạt cánh tím, mặc dầu mùa hoa tím đã hết từ ngày hạ.

Cô Dó sụt sùi hỏi cậu Năm rằng:
– Trên này tôi đã quen với thảo mộc. Về dưới Kinh anh cây cỏ cằn vắng, chất xanh nghèo nàn sẽ biết gửi mình nơi nao và ở vào đâu?
– Em sẽ ở với đá với nước. Lấy cái xanh của nước thay tạm cho cái xanh của lá, lấy cái lành vững của đá thay cái mềm lạnh của cây, anh tưởng cũng tiềm tiệm được.
– Đá nào? Nước nào?
– Nước Hồ Tây. Và phiến đá làng Hồ Khẩu. Nhà anh làm giấy ở kẹt vào giữa một con sông và một cái hồ rộng. Có hòn đá nghè giấy, mỗi chiều bằng vai em, tưởng em cũng không đến nỗi chật quá. Vả em vốn sinh trưởng bằng nhựa dó và dưới ấy là nhà anh làm giấy, sự sống hàng ngày có thêm em nữa, cũng không phiền thêm chút nào. Thế giờ liệu đã xuống núi được chưa?
Cô Dó gật gật. Rồi cô xin phép cậu Năm cho cô khóc một lúc để tỏ chút nghĩa với Rừng Cao Cả. Cô quỳ xuống lạy Ngàn Xanh hai lạy, giọt dài không khác người con gái lạy sống cha mẹ đẻ lúc bước chân về nhà chồng. Cậu Năm mắt cũng rớm lệ. Con suối bạc cảm động quá ngừng hẳn lại, không chịu chảy xuôi nữa. Lòng suối im ả như gương tàu phản chiếu không nhòe lấy một đường viền nào, cái bóng hai người đang lấy tà áo chùi lẫn cho nhau những châu lệ hạnh phúc sớm mờ. Hai người say sưa và mệt mỏi, đi trên một cái lối mòn ăn ra dốc đèo.
Chúa rừng cho nổi một cơn gió nóng tiễn đưa cô Dó ra cửa ngàn. Có một con hươu đực đang vươn cổ cao nhìn cô Dó xuống đồng bằng, mỗi lúc một bé dần. Nó quật sừng nó vào cái cây đại có những cành ngang và lá to làm bận tầm mắt nó.
Cái bóng áo chàm người sơn thần nữ vu quy đã tan lẫn vào cái xanh lớn lao của ngàn già. Bữa ăn chiều ấy, hươu đực ngốn tấc cỏ thấy chát đắng.
Nương dó mất tiếng hát từ đấy. Sớm ngày sau rừng dó bỗng kêu một tiếng ầm như ngọn núi nào lở thụt ngã xuống vực. Gốc dó thần đổ vật. Người giai nhân đã đi. Đất này trơ lại những lá úa rầu.
Nhưng mà từ nay ven hồ Tây và trên dòng sông Tô Lịch lại có tiếng cô Dó bây giờ xuống hát ở dưới đồng bằng.
Hát riêng cho cậu Năm nhà họ Chu nghe thôi.

Hôm về tới làng Hồ Khẩu, trời đã canh hai, cả nhà đều đã ngủ say. Cậu Năm đưa cô Dó về nhà mà không ai biết tí gì cả.
Trông thấy viên đá xanh nghè giấy đặt chìm xuống nền đất trị, cô Dó cười hỏi chồng:
– Đấy phải không?
Cậu Năm đang dở tay đốt đèn quay lại gật gật. Thế là cô Dó lẩn mình ngay vào tấm đá, sau khi ăn hết hương thơm của mấy trăm tờ sắc vừa seo xong còn ướt để ở ngoài hiên – Mấy ngày đi đường, cô đói quá. Lại vừa mệt nữa. Nên chỉ kịp chào cậu Năm và nói có một câu “Đầu canh tư, anh đánh thức em dậy với” là cô đã ngủ ngay trong lòng đá.
Riêng cậu Năm thì không ngủ được. Ngồi uống rượu một mình cho đỡ lạnh, Năm thấy phải độc ẩm có ý buồn buồn, bèn thành kính rót một chén xuống mặt phiến đá và tuy mới sang canh ba được có một lúc, cậu cũng đánh thức vợ dậy để cùng nhắp một chén tân hôn.
– Này em này, đã sang canh tư rồi. Sao tua dua tháng mười đã gần tụt hết xuống phía đoài rồi đấy. Em ngồi dậy uống một chén mừng cho đỡ lạnh
– Anh lấy một ít bột dó chưa seo đắp lên mặt đá cho em kẻo trong này lạnh lắm. Ngày thường, anh bắt đầu làm việc từ lúc nào?
– Cứ trời gần hửng sáng thì anh đã trở dậy nghè giấy. Đúng ngọ, ngừng tay một lát ăn cơm. Mặt trời lặn thì anh nghỉ hẳn tay chầy.
– Từ nay có em về ở cùng, anh nên đổi thời khắc biểu cũ đi. Em thuộc chất âm, ít chịu được cái nóng sáng của mặt giời. Em muốn từ bây giờ, anh thay giờ làm việc, lấy đêm ra mà làm ngày. Như thế nó tiện cho em những lúc phải đỡ đần anh một tay. Vả chăng, cái việc em về làm bạn với anh, cũng không nên cho người khác biết cả đến người nhà nữa. Muốn giữ bền được hạnh phúc, chúng ta nên mai ẩn ít nhiều tung tích của mình đi để tránh những việc dòm giỏ của chung quanh. Lại còn thế này nữa: là thỉnh thoảng em có muốn lách mình ra khỏi đá để hát cho anh nghe hoặc đánh bóng mặt giấy cho anh, mà phải lộ tấm hình hài cho người ngoài thấy thì thực là một điều không những là bất tiện mà lại còn nguy hiểm cho hai mình nữa. Nào, anh đổ xuống mặt đá cho em một chén rượu nữa, người em vẫn còn mệt lắm, nhưng đã là ngày vui nhất trong cuộc đời thì phải say và phải hát chứ. Em sẽ hát bài ngắn thôi rồi đi nằm. Lúc nào gà gáy canh một đêm nay, em sẽ dậy. Anh cũng đi ngủ; để tối hãy làm giấy.

Cậu Năm nghe theo lời vợ hiền. Và từ bấy giờ cả nhà đều phải để ý đến những giấc ngủ ngày triền miên của cậu Năm. Hỏi, cậu bảo rằng cậu vừa tìm được một phương pháp mới để chế giấy cho tốt hơn: giấy nghè vào lúc đêm hôm thì mặt bóng hơn, chất chắc hơn vì… vì nó có hơi sương và tia trăng tia sao! Cậu nói thế mà cũng có khối người trong nhà nghe được đấy.
Ở ven hồ Tây, giờ cảnh đêm đông không còn lặng lạnh như mọi khi nữa. Trong sương, đùng đục những dịp tiếng chầy nhà cậu năm giã dó và lắm buổi lại còn lẫn một thứ tiếng hát, âm thanh lơ lớ và nhịp, lúc mau như tiếng khổ dựng trong nhà Tơ và lúc thưa thì giống hệt lối ngâm thơ Thiên Thai rồi ngân dần lên và lại dần dần ngân mà xuống đúng như hơi hát cung bắc hay lúc đổ con kiến. Đêm đêm, cậu Năm làm giấy và cô Dó cũng lách mình ra khỏi đá giúp chồng. Cả ngày chỉ ngủ không ăn, giờ, bữa cơm chính của cậu Năm thường lại là một bữa siu-dề có điểm mấy chén rượu. Vợ chồng vui vẻ, nói khôn nên lời. Ái tình và cần lao. Lắm khi ngà ngà mà say, phất phơ mà đi, nhìn đêm lạnh giăng suông, nhớ rừng cũ, cô Dó lại càng hát nhiều nhiều. Khuya im một mầu sương muối, cỏ cây đùng đục vẩn trong sữa giăng loãng, giời đất trông ra như lúc hỗn mang. Cô Dó đánh bạo ra ngoài. Đêm đông trường chỉ có tiếng hát của cô dó chập chờn đi từ giới hạn một bờ Tây Hồ đến bờ một khúc sông Tô Lịch. Tiếng huyền diệu và mờ mù bao la.
Từ đấy lò chế giấy nhà cậu Năm họ Chu làng Hồ Khẩu biết một kỷ nguyên mới – giấy tự nhiên thơm đẹp lên và bỏ xa sự cạnh tranh của nghìn vạn người sống bằng vỏ dó. Loại giấy Chu Hồ có từ bấy giờ. Ấp tờ giấy đẹp vào lòng, biết nó là cái công ơn của người vợ hiền nhiều đêm đã cần cù vì mình, cậu Năm đê mê vì chân hạnh phúc và thú cần lao nhiều phút ban ngày sướng quá, ngất đi và tỉnh cơn cuồng lại vỗ mãi vào phiến đá nghè có ý đánh thức vợ dậy mà xem mình đang khóc vì… hoan lạc.
Có một lần, cô Dó dở giời khó ở mất đến một tuần, giấy Chu Hồ tự nhiên xuống hẳn mặt. Đã có bao đêm liền, cậu Năm bó gối gác chầy bên phiến đá, nghiêm và rầu như kẻ sắp gieo mình xuống dòng. Dưới lòng đá, có tiếng phào phào đưa lên:
– Em đã rõ chứng bệnh em rồi anh ạ. Ra em không chịu được cái mùi hoa hòe nhà ta vẫn mua về để nhuộm giấy sắc. Đổ cái chất vàng ấy lên mình em, em ăn phải cho nên đầy và cứ phù dần người ra. Anh thử bỏ vứt bột hoa hòe đi em xem.

VN88

Viết một bình luận