VN88 VN88

Cái xác Ngọc Lam

Truyện ngắn cái xác Ngọc Lam do Truyendammy.vip sưu tầm đọc truyện ngắn cái xác Ngọc Lam.

Cai xac Ngoc Lam

Xem truyện ngắn: Cái xác Ngọc Lam

Tác giả: Nguyễn Tuân

Ở làng Hồ Khẩu có nhà họ Chu làm giấy nổi tiếng đã đến mấy mươi đời liền. Ông tổ bốn đời của nhà họ Chu, đâu suýt nữa có lần ra làm quan. Thời ấy, nhà vua xuống chiếu cho quan địa phương phải làm sổ đệ dâng về những môn bách nghệ trong nước và tên họ những người có tài thủ công trong các môn ấy. Về các phường làm giấy bán giấy, một hạt Hà Đông, nhà họ Chu được đứng đầu vào sổ kê khai bách nghệ. Ý chừng quan địa phương đã cho giấy là có mật thiết với văn chương khoa bảng của một nước sùng thượng kẻ sĩ nên đã liệt họ Chu lên đầu sổ. Chẳng rõ như thế có phải không, nhưng cứ cái chất giấy dó của nhà họ Chu đem ra xét thì đến giấy trúc của Tầu cũng xê ra lui chứ đừng nói là giấy dó của bất cứ lò nào xứ ta nữa.
Nhà họ Chu vốn không làm giấy moi bao giờ. Chỉ toàn làm giấy lụa và giấy lệnh hội để viết bằng viết sắc. Và vào khoảng đầu năm Tí Mão Ngọ Dậu có khoa thi, thì nhà ấy mới làm đến thứ giấy để học trò đóng quyển gọi là giấy thi. Giấy của họ Chu chế ra, bao giờ soi lên cũng có hai chữ Chu Hồ in lối thủy ấn. Hai chữ thương tiêu viết theo lối triện cổ trước đời Tần nhắc cho người dùng giấy biết rằng đấy là giấy của họ Chu làng Hồ Khẩu. Trông đến tờ giấy dó của nhà này là ai cũng biết ngay, chẳng cần phải soi lên mà tìm dấu thương tiêu thủy ấn nữa. Cái đám đàn bà con gái buôn tạp hóa họ đã đố nhau là xếp ra trước mặt rất nhiều loại giấy của rất nhiều nhà làm giấy bán ra, rồi người bị đố sẽ nhắm mắt lại, chỉ được lấy tay rờ mà phải gọi được tên giấy của lò nhà nào ra. Chẳng bao giờ các bác các cô ấy gọi sai các loại giấy của nhà họ Chu cả. Thì ra gồng gánh ăn phường ăn hàng mãi khắp chợ thôn quê, họ đã hiểu hết những đức tính của giấy nhà họ Chu. Nó nhẵn mặt mà không cứng mình mà chất lại dai và lắm tờ khổ rộng mình dầy thế mà bắc đồng cân lên thì nặng chỉ như cái lông ngỗng. Mặt giấy xốp, nghiêng giấy ra ánh sáng mà nhìn chất cát dó thì nó như làn da má trinh nữ phẳng đượm chất tuyết của lớp lông măng. Vuốt vào mặt giấy, người ta có cái cảm tưởng được sống là một điều dễ chịu; mùa nực, rờ vào giấythấy mát cả lòng bàn tay và về tiết đông ấp tay vào giấy nhà Chu, thấy nó âm ấm như có sinh khí. Đưa lên mũi, tờ giấy đượm hơi thơm của một thứ mùi thảo mộc còn tươi sống, thật là một vật quý trên thế gian. Tờ giấy dó từ nhà Chu họ đưa ra thị trường, ai nhìn thấy cũng lấy làm sung sướng. Nó đẹp đến nỗi mọi người đếu yên trí rằng dẫu đứa thất phu có cầm bút vẽ bậy vào đấy thì những nét lếu láo ấy vẫn cứ thành được hình chữ. Nhưng hồi ấy người ta còn trọng nho phong và chúng nhân đều là người trí sĩ cả, nên tờ giấy nhà họ Chu còn được may hơn là phận những vách đá giơ mình ra cho người dốt thích thơ vào. Người có chữ nhưng mà văn xoàng và chữ xấu thì đều không nhẫn tâm đè giấy họ Chu ra mà viết. Người dốt thì biết kiêng sợ và chỉ trông thấy giấy có thủy ấn Chu Hồ là đã chạy xa rồi. Thành ra, kẻ sĩ ở vào cái thời ấy thấy ai dùng đến giấy Chu Hồ là họ tìm đến; vì chẳng được văn đại khoa thì âu chữ cũng phải có nét bút thiếp – Mà sự dùng giấy dó nhà họ Chu Hồ đã thành một lối biểu dương riêng của một phái quý tộc trong làng văn mặc.
Cái lần ấy được triệu vô kinh và được hầu lạy quan thượng thư bộ Lễ để tỏ bày những đức tính của giấy dó lò nhà, ông cụ họ Chu đã làm cho bực lão thần và tất cả thuộc nha một bộ phải kinh ngạc và trầm trồ. Ông cụ đã bày các thứ giấy các loại án thư và bắt những con gián con nhậy con dài đuôi thả vào đám giấy ấy. Thì lạ quá, cả một lũ côn trùng kẻ thù truyền kiếp của sách và giấy đều chạy lảng xa rất nhanh khỏi chồng giấy và lẩn trốn đi đâu hết cả. Bộ Lễ bèn làm giấy dâng lên chỗ chín bệ và nhà vua bèn xuống chỉ cho ông cụ già họ Chu sung vào một chân trong Cẩn Tín Viện để ở luôn nơi Thành Vàng sớm tối chế giấy cung cho cả một hoàng tộc và cả một triều đình. Bộ Công đã có chỉ phải xây hai lò giấy dó bên sông Hương và ông già họ Chu sẽ là vị quan trọng dụng lần thứ nhất để coi mấy lò giấy mới mở đó. Nhưng ông già họ Chu lấy làm sợ hãi mà tâu lên rằng hiện trong mình đang mang cái tang mẹ và xin được lộn về bắc, cứ ở nơi Tây Hồ nguyên quán mà chế giấy Ngự Chỉ và thường niên đệ vào kinh do quan địa phương săn sóc việc đưa đi theo những kì hạn nhất định. Triều đình thấy việc ông già họ Chu cũng thuộc về một trường hợp đình gián nên cũng ưng và không nghị tội.
Vậy từ ấy, giấy Chu Hồ tiếng lại càng bay rộng ra. Thường niên gặp kỳ vạn thọ hoặc khánh đản triều đình vẫn nhớ đến công người làm giấy, ban cho nhà Chu hết Tưởng lục này đến Tưởng lục nọ và ân tứ cho vô khối là vàng lụa. Đời một người thôn dã lái buôn mà được đặc sủng đến dường ấy, thực cũng là một sự đáng ghi lại nơi ngoại sử của một thời trong một nước chỉ biết quý yêu có kẻ sĩ. Và cổng lò giấy nhà họ Chu làng Hồ còn nhiều ngàylại vui nhộn quá cửa hầu quyền. Lốt xe vệt móng trước nhà người thường nhân, hãn hữu lắm mới chịu ăn rêu đậu cỏ. Những bực cao sang tài huấn của một thành đô vẫn thường lấy chỗ ông già Chu là một nơi hẹn hò với hạnh phúc. Được cái nhà họ Chu có cái đức làm người bình dị rất vững, nên vẫn cố giữ mực thường, không vì thế mà thành kiêu lộng và lại càng vui với cần lao và nghề nhà ngày một càng tinh xảo. Vào nhà ấy người ta không thấy có gì là lộ ra cái lối phú quý chơi trèo. Giá vào kẻ khác thì ít ra ở đấy cũng đã điểm những vệt vàng lớp son – mà vả cũng chính đáng lắm chứ sao. Nhưng không. Ở đây vẫn chỉ có cái tầu dó gỗ xù xì, tảng đá ép ấy vẫn nhẵn lặng và hòn đá nghè giấy rất khiêm tốn nằm trên giữa nền đất trị. Từ đời ấy đến đời khác vẫn chỉ có bấy nhiêu. Rất cổ điển, cổ kính và đơn bạc. Cái gì mà cả dòng nhà ấy biết quý yêu thì vẫn lại là cái tờ giấy do mình chế ra cho người có chữ dùng.
Cho đến bây giờ.
Cái tảng đá xanh màu núi mùa thu và vuông mỗi chiều hai thước ta, dùng để nghè giấy cho nhẵn mặt, vẫn chỉ là một vật rất thành thuộc ở với nhà họ Chu đã đến sáu bảy đời. Nó câm lặng mà phụng sự như không biết có mình nữa. Và người ta quý nể nó như là nương nhẹ một người lão bộc. Ít khi người nhà họ Chu nỡ nặng tay gieo đầu chầy xuống miếng đá của tổ phụ lưu lại, những khi nghè mặt dó giấy. Mà người ngoài cùng làm nghề này thì cũng chỉ thấy viên đá là một viên đá, đánh cho nó cái giá của một viên đá thôi. Cả đến nhà họ Chu cũng nghĩ vậy.
Nhưng… hòn đá ấy vốn có một đời sống thuộc về tâm hồn. Kể cũng hơi lạ…
Rừng Hoành Bồ có một nương dó. Rộng sâu lắm. Cũng gần thành một cánh rừng riêng. Gió thung lũng thổi vật vào nương dó, mỗi đợt muốn đi gấp qua hết lòng nương thì cũng phải tàn mất nửa điếu thuốc quấn. Trong cái lỗ cùng tịt của rừng dó, có một cây dó không rõ mọc từ đời nào mà cao vút, cành lá vênh vào át cả những cây Thiên niên tùng gần đó. Loài dó vốn là một loại cây trung bình, thường chỉ cao hơn đầu người, mấy khi đã có được chút bóng dài. Vậy mà cây dó cổ thụ này mình to như mình lim, mỗi lúc mặt giời chỉ lệch quá ngọ một phần nén nhang là bóng nó đã rợp cả một khoảng lòng suối xa kia để làm vui cho một đàn cá hương ngư.

Người trung châu mình vốn hay khiếp lánh những cái gì to quá, không dám nhận những cái cao to là hẳn vật riêng của thế giới mình bèn gọi cây đại thụ đó là Gốc Dó Thần, phải nhắc đến thì chỉ dám nói thầm và lần gặp mùa bóc dó, họ đều lảng xa khỏi gốc dó thần. Góc nương dó có gốc cây thần, chả mấy mà đã thành hoang vu và trở nên bí mật như một rừng cấm, gió ngàn có lách qua được kể cũng còn mệt. Chỉ có bọn thổ dân sơn cước muốn mở một lối đi tắt là còn dám lần vào đó chứ đến bọn người Kinh đi bóc dó thuê là đều lùi cả.
Nhiều buổi rừng dó lặng gió quang mây, từ góc rừng cấm nổi lên những tiếng hát, giọng không ra bắc không ra nam mà hơi hát thì toàn bắt chênh đi cả; lúc xa lúc gần, cái thứ tiếng nói không ai hiểu là tiếng gì đó đi khắp cả nương dó. Tiếng nói, đôi khi lại có chen vào ít tiếng trúc. Bọn người Kinh đi lên rừng Hoành Bồ bóc dó, nghe thấy tiếng hát giữa nơi mênh mông đìu hiu, giá đừng có những cái lối khiếp đảm tầm thường, thấy bất cứ cái gì không quen thuộc như là cơm áo và tiền là y như đã sợ – thì vào những ngày gió tạnh mây quang nơi nương dó ấy, là họ đã có dịp gần nghệ thuật và tai nghe được cái tiếng thuần túy của nghệ thuật rồi đấy. Họ nghe tiếng hát lần lần vẳng lên thì cái lòng kinh hãi nơi lòng họ cũng tăng lên dần dần. Thậm chí có người ngất đi và cấm khẩu, phải đốt đến hàng đống là khô mới tỉnh lại. Mới hay tiếng hát u hiển và tiếng trúc tuyệt vời có khi lại cũng làm tội đến cả những kẻ đi làm thuê ăn công nhật. Rồi có bao nhiêu người Kinh đi bóc dó thuê kia đều lấm lét bỏ cả việc, quây quần lại sát thít vào nhau bên đống lửa cho đỡ sợ. Tiếng hát tắt đã lâu lắm bọn họ mới lại dám lò dò ra làm nốt buổi. Nhưng người thổ dân cùng đi bóc dó chung với họ, lấy thế làm cười và bảo họ:
– Không việc gì mà thất đảm đến như thế. Cô Dó hát đấy. Cô Dó không có làm hại ai bao giờ.
– Các bác bảo cô Dó hát? Ai là cô Dó?
Đám thổ dân sơn cước vui vẻ chỉ đúng cái cây Gốc Dó Thần ở phía xa:
Cô Dó ấy đấy. Cô ở cái cây đấy. Cô là hồn sống của cái cây ấy. Chúng tôi vẫn thấy luôn. Hôm nào đi làm về, gặp cô thì y như về đến nhà, ở mãi trên kia – bọn tôi cũng đều vui và quên mệt. Cô lúc nào cũng mặc một cái áo màu chàm.
Họ còn nói bọn thợ Kinh nghe rằng cứ năm nào cô Dó hát trong nương thì giấy dưới vùng xuôi làm ra rất nhiều. “Chắc dưới vùng xuôi lại có khoa thi khoa thiếc gì , nên năm nay cô Dó lại hát”. Bọn thợ Kinh tính ra thì năm họ đang bóc dó vụ chiêm đây là một năm Mão. Vả nghe thấy đám người núi nói chuyện giọng thành thực, nên bọn Kinh cũng đỡ sợ và từ đấy một vài người lại còn sinh ra tò mò nữa. Họ rình cô Dó ra hát – Bọn thổ dân nói đúng đấy. Cô Dó mặc áo xanh màu lam và cứ đi đến gốc Dó Thần thì vụt mất. Nhiều lần thấy thái độ bọn thợ Kinh là suồng sã lộ liễu quá, cô Dó giận dỗi mất hàng mấy hôm. Bấy giờ thấy nương vắng tiếng cô Dó, bọn thợ Kinh phần đông mới thấy nhớ và thấy hình như ngày làm của họ thiếu mất một cái gì. Nhưng sau đấy ít ngày, rừng dó lại vang tiếng sáo tiếng hát. Bởi vì vui hát là bẩm tính của cô Dó và cô vốn không phải là một sinh vật trong nhân loại nên lòng tha thứ ở người cô rất quảng đại.
Chuyện này đồn về đến vùng xuôi.

VN88

Viết một bình luận