Cornuyđê, bất bình vì thấy có sự liên minh thân thiện giữa những kẻ thắng và kẻ bại, rút lui ngay, về ngồi trong nhà trọ, Loadô nói một câu pha trò: “Chúng làm cho dân cư đông đúc lại đấy”. Ông Carê Lamađông thì nói một câu trịnh trọng: “Chúng chuộc lỗi”. Nhưng vẫn không thấy bác xà ích đâu. Sau cùng mới tìm ra bác ta ở quán cà phê trong làng, chén chú chén anh với người lính hầu của tên sĩ quan. Ông bá tước cự:
– Chúng tôi đã ra lệnh cho bác thắng xe để đi tám giờ kia mà?
– À, phải rồi, nhưng sau đó tôi lại nhận được một lệnh khác.
– Lệnh gì?
– Là chẳng thắng xe thắng xiếc gì hết.
– Ai ra lệnh cho bác ấy?
– Ông tư lệnh Phổ, chứ còn ai?
– Tại sao?
– Nào tôi biết! Ông đi mà hỏi ông ấy. Người ta cấm tôi thắng xe thì tôi không thắng. Như vậy đấy.
– Chính ông ta đã bảo bác thế à?
– Không, thưa ông: đó là chủ quán truyền lại lệnh của ông ta cho tôi.
– Bao giờ?
– Đêm qua, lúc tôi sắp đi ngủ.
Ba người quay về rất lo lắng.
Họ yêu cầu gặp lão Fonlăngvi, nhưng chị người ở đáp lại vì chứng hen, chẳng bao giờ lão ra dậy trước mười giờ. Lão lại còn cấm tuyệt không được đánh thức lão sớm hơn, trừ phi cháy nhà.
Họ muốn gặp tên sĩ quan, nhưng điều đó thì tuyệt đối không thể được, mặc dầu y ở ngay trong nhà trọ. Chỉ có một mình lão Fonlăngvi là được phép nói chuyện với y về mọi việc dân sự. Thế là họ phải đợi. Các bà lại trở về phòng và làm những việc phù phiếm cho qua giờ.
Cornuyđê ngồi vào chỗ lò sưởi cao của nhà bếp, lửa cháy đỏ rực. Y đã gọi mang tới đấy một chiếc bàn con của quán rượu với một chai bia, và y rít tẩu thuốc, cái tẩu được các nhà dân chủ vì nể gần ngang với y, tựa hồ nó phục vụ Cornuyđê là đã phục vụ tổ quốc vậy. Chiếc tẩu rất đẹp, bằng đá bọt, cặn thuốc bám rất đều, cũng đen như răng của chủ nó, nhưng mà thơm, uốn cong, bóng nhoáng, quen thuộc với bàn tay y, và bổ sung cho diện mạo y. Y ngồi yên lặng, mắt đăm đăm khi nhìn lửa, khi thì nhìn cái vành bọt bia trong chiếc cốc vại, và cứ mỗi lần uống xong, y lại lùa những ngón tay gầy guộc vào mớ tóc dài bóng nhẩy với một vẻ khoái trá, mũi hít hít bộ ria mép viền bọt bia.
Loadô lấy cớ là để cho khỏi cuồng cẳng, đi đến các nhà bán rượu lẻ trong vùng chào bán rượu vang. Bà bá tước và ông chủ nhà máy xoay ra nói chuyện chính trị. Họ dự đoán về tương lai nước Pháp. Một người tin tưởng ở dòng họ Orlêăng, người kia tin tưởng vào một vị cứu tinh vô danh, một vị anh hùng mãi đến lúc mọi sự đều tuyệt vọng mới xuất đầu lộ diện: một Đuy Ghetxclanh(18), một Jan Đac(19) không biết chừng? hay một Napôlêông đệ nhất khác? Ồ! Giả thử hoàng thái tử không đến nỗi còn măng sữa như vậy! Cornuyđê nghe họ nói chuyện, mỉm cười ra vẻ con người hiểu biết vận mệnh chung sẽ ra sao. Tẩu thuốc của y tỏa khói thơm nực nhà bếp.
Khi mười giờ đã điểm, lão Fonlăngvi xuất hiện. Mọi người vội vã hỏi lão, nhưng lão chỉ có thể nhắc đi nhắc lại hai ba lần, không sai một chữ, mấy lời như sau: “Ngài sĩ quan đã bảo tôi thế này: Ông Fonlăngvi, ông sẽ cấm không cho xe của bọn hành khách ấy thắng ngựa sáng mai. Tôi không muốn ho ra đi mà không có lệnh của tôi. Ông hiểu chứ? Thế là đủ”.
Mọi người liều muốn gặp tên sĩ quan. Bá tước gửi danh thiếp của ông lên cho y, trên đó ông Carê Lamađông ghi thêm tên với tất cả mọi chức vị của mình. Tên Phổ cho người trả lời rằng y sẽ cho phép hai người được nói chuyện với y khi nào y ăn xong bữa sáng, nghĩa là vào khoảng một giờ.
Các bà lại ra mặt và mặc dầu lo sợ ai nấy cũng ăn qua loa chút ít. Viên Mỡ Bò có vẻ ốm và hết sức bối rối.
Uống xong cà phê thì tên lính hầu đến tìm hai ông.
Loadô nhập bọn với họ. Muốn cho cuộc vận động thêm phần trang trọng, họ cố lôi kéo Cornuyđê, nhưng y kiêu hãnh tuyên bố nhất định không bao giờ muốn có quan hệ gì với bọn Đức, và y lại ngồi vào chỗ bên cạnh lò sưởi, gọi một chai khác.
Ba người lên gác và được đưa vào căn phòng đẹp nhất của nhà trọ. Tên sĩ quan tiếp họ ở đấy, nằm ngả người trên một chiếc ghế bành, chân gác lên lò sưởi, miệng ngậm tẩu thuốc dài bằng sứ, mình mặc một chiếc áo ngủ đỏ rực, chắc là xoáy trong nhà bỏ trống của một thị dân rởm nào đó. Y không đứng dậy, không chào họ, không nhìn họ. Y thể hiện một kiểu mẫu tuyệt vời về thói thô bạo đương nhiên của kẻ nhà binh đắc thắng.
Mãi một lúc lâu y mới nói:
– Các ông muốn gì?
Ông bá tước lên tiếng:
– Thưa ngài, chúng tôi muốn lên đường.
– Không.
– Tôi xin mạn phép hỏi ngài có thể cho biết lý do vì sao đuợc không ạ?
– Bởi vì tôi không muốn.
– Thưa ngài, tôi xin kính cẩn lưu ý ngài rằng đại tướng tổng tư lệnh của ngài đã cấp cho chúng tôi giấy thông hành đi Dieppe, và tôi nghĩ chúng tôi chưa hề làm gì đáng để ngài khe khắt.
– Tôi không muốn…có thế thôi…Các ống có thể đi xuống.
Sau khi cúi chào, cả ba người rút lui.
Buổi chiều thật thê thảm. Họ chẳng hiểu tại sao tên Đức lại có cái ý bất chợt ấy, và những ý nghĩ kỳ quặc làm rối loạn đầu óc họ. Mọi người ngồi cả vào bếp, bàn cãi mãi, tưởng tượng ra những chuyện vô lý. Có lẽ y muốn giữ họ làm con tin ,nhưng nhằm mục đích gì?- hoặc đưa họ đi cầm tù? Hay là đòi họ một số tiền chuộc lớn? Nghĩ như vậy, họ đâm hoảng. Những người giàu có nhất là những người sợ hãi nhất, chưa chi đã thấy mình bắt buộc phải nộp những túi đầy vàng vào tay tên lính láo xược này để chuộc tính mạng. Họ cố moi óc tìm những câu nói dối tạm nghe được để che giấu của cải, làm ra bộ nghèo, rất nghèo. Loadô tháo đồng hồ, giấu trong túi. Trời đổ tối, càng tăng thêm những nỗi lo sợ. Đèn thắp lên, và còn hai tiếng đồng hồ nữa mới đến bữa ăn, mụ Loadô đề nghị chơi bài ba- mươi-mốt(20). Đó là cách giải trí. Mọi người nhận lời. Ngay cả Cornuyđê, sau khi giụi tẩu thuốc đi và lịch sự, cũng tham dự.
Ông bá tước trang bài, rồi chia Viên Mỡ Bò được ngay ba-mươi-mốt; và không mấy chốc thú chơi bài cũng làm cho nỗi lo sợ ám ảnh mọi tâm trí dịu bớt đi. Nhưng Cornuyđê nhận thấy vợ chồng nhà Loadô thông đồng với nhau để chơi gian.
Lúc mọi người sắp ngồi vào ăn thì lão Fonlăngvi lại xuất hiện, và hỏi bằng cái giọng khò khè đòm trong cổ: “Ngài sĩ quan Phổ cho hỏi xem cô Elizabet Ruxô đã thay đổi ý kiến chưa”.