Truyện ngắn chút vốn liếng do Truyendammy.vip sưu tầm đọc truyện ngắn chút vốn liếng.
Xem truyện ngắn: Chút vốn liếng
Tác giả: Vĩnh Hảo
“Nó tưởng mình ngu nên mỗi lần kẹt tiền là cứ hỏi mượn mà chẳng bao giờ thấy trả,” Xê thầm nghĩ. Nhét lá thư của Tân vào túi áo, chàng nói lớn dù trong phòng chẳng có ai ngoài chàng:
“Thực ra, ta chỉ dại thôi. Hề hề…”
Mỗi lần cười hề hề như thế Xê lại thấy sảng khoái y như vừa lau được một vết bẩn trên mặt vậy. Sau tiếng cười là sự chấp nhận, nghĩa là cứ gửi tiền cho thằng bạn dù nó xạo nhiều lần rồi. Xê mở ví ra xem, thấy còn ba trăm ba chục đô-la. “Gửi cho nó một trăm mình vẫn còn dư để mời Lệ đi nhà hàng tối nay. Tuần tới mình lãnh lương rồi. Không sao. Kệ mẹ nó, đừng tính toán kỹ quá làm bẩn cái tâm hồn dễ thương của mình đi.”
Xê đề máy xe, chạy đến bưu điện. Chàng tính chỉ gửi money order thôi, khỏi thư từ gì vì Tân chỉ cần tiền chứ đâu có cần thứ chi chi khác, nhưng ngẫm lại, chàng thấy cũng nên viết vài dòng. Nhận tiền mà không thấy chữ nào thì xài cũng không thoải mái. Xê mua bì thư rồi trở ra xe lấy giấy hí hoáy viết cho Tân mấy hàng:
“Thằng quỷ,
Tao mới nhận thư mày hồi nãy, gửi liền đây. Mày hiểu tính tao mà, đừng bận tâm. Tao còn tiền. Vui nhé. Chúc mau có việc làm.
Bạn thân,
Trần Xê ”
Đọc lại, vẫn còn sợ thằng bạn ái ngại, Xê ghi thêm:
T.B: Cho mày xài đó chứ không cho mượn đâu. Đừng tính chuyện trả lại tao đục mày đó.
Dán bì lại, Xê trở vào bưu điện, vừa đi vừa ngẫm nghĩ: “Thà cho luôn chứ không cho mượn vì cho thì chỉ mất tiền còn cho mượn thì mất cả tiền lẫn bạn. Thằng cha nào nói câu này cũng chí lý lắm!”
Trở ra xe, Xê lái thẳng về hướng quận Springfield. Nhà Lệ ở đó, trên một con đường vắng vẻ, yên tĩnh.
Hôm qua, tuyết bắt đầu rơi, nay vẫn chưa tan, ngập trắng trên những cồn đất, xa xa trông như những ụ muối mà Xê từng thấy ở quê nhà. Trời mù mù như muốn mưa, lạnh buốt xương thịt.
Lệ đang học đại học, còn một năm nữa mới ra trường. Kể ra thì ở tuổi Lệ không thể gọi là bé được nữa, nhưng đôi lúc Xê thấy nàng thật là con nít. Cái lối nhõng nhẽo của nàng có khi làm cho Xê phải rợn da gà, vậy mà Xê vẫn không bỏ nàng được. Chàng chạy theo Lệ mê mệt, yêu đến điên cuồng, như một kẻ ghiền thuốc lá: biết là bỏ thì tốt mà không bỏ được. Nhưng Lệ đẹp chỗ nào nhỉ? Xê tự hỏi. Đôi mắt ư? Không. Mắt bình thường thôi, chẳng có gì đặc biệt. Cái mũi ư? Ừm, coi nào. Xét cho đúng thì mũi nàng cũng tẹt lét chánh hiệu Việt Nam chứ có dọc dừa, cao ráo gì đâu! Cái miệng? Ừ, đúng rồi. Chỉ có cái miệng nhỏ với đôi môi tươi hồng khỏi cần tô son, điểm một nốt ruồi đen bên khóe trái đó thôi. Hình như Xê thích ngồi đối diện Lệ chỉ để được ngắm đôi môi nàng mấy máy, mím lại, trề ra hay nhoẻn cười vậy mà. Thương thay, đất trời nghiêng lệch cũng chỉ vì đôi môi quyến rũ đó. Có khi bực mình, giận Lệ đến run người, nhưng chỉ cần đôi môi đó nũng nịu một chút là chàng đã có thể bỏ qua tất cả.
Gần đây, Lệ có vẻ thay đổi nhiều lắm, chẳng rõ vì lý do gì. Đêm qua thứ sáu, Xê điện thoại cho Lệ, nói rằng sáng nay sẽ đến đưa nàng đi Washington D.C. chơi. Lệ nói:
“Để coi nào.”
“Để coi? Không phải thứ Bảy nào mình cũng đi với nhau sao? Em bận gì vậy?”
“Đâu biết trước được. Thôi, anh cứ đến, có gì trục trặc em báo trước.”
Xê nhíu mày. Có gì trục trặc. Sao lại có gì trục trặc chứ? Suốt tuần Lệ vào trường, Xê vào sở, cuối tuần đi với nhau, thời khóa biểu đã rõ ràng như vậy rồi, có tuần nào thay đổi đâu!
Xê bấm chuông. Thủy, đứa em gái mười hai tuổi của Lệ ra mở cửa.
“Anh Xê! Sao đến trễ vậy?”
“Trễ? Sớm hơn mọi khi đó chứ! Bộ chị Lệ đi đâu rồi à?”
“Dạ, chỉ đi rồi. Vô đi anh, kẻo lạnh.”
Xê thẫn thờ thả phịch cái thân lùn thước rưỡi của mình xuống xa-lông. Trời bên ngoài xám xịt mà trong nhà này, ngay lúc này, chàng thấy còn xám ngoắc hơn. Xê thấy các ánh đèn phòng như đang nhảy múa cái điệu vũ của những con đom đóm ngoài trời đêm. Thủy tỉnh bơ không hiểu được nỗi choáng váng của chàng, cô bé chạy vào phòng mang ra mảnh giấy nhỏ:
“Chị Lệ viết cho anh đó.”
Xê chụp tờ giấy đọc ngay:
“Anh à,
Em có chút việc phải đi với mấy người bạn. Khoaœng 6 giờ chiều em sẽ đến nhà anh rồi mình đi ăn. Đừng giận nghe. Gấp quá em không báo cho anh được. Bye. ”
Vò tấm giấy trong tay, Xê quay qua Thủy tính hỏi nhưng thấy cô bé đang mê coi truyền hình, chàng đành thôi. Một chặp, không dằn nổi, Xê mở miệng:
“Hồi nãy mấy chị đến chơi đông lắm hả?”
Thủy vừa xem truyền hình vừa trả lời:
“Đâu có, có một người thôi.”
“Chị Loan phải không?”
“Không.”
“Chị Thuyên chứ gì?”
“Không.”
“Chị Bích?”
Thủy quay lại, hơi khó chịu vì bị quấy rầy trong lúc xem phim:
“Có chị nào đâu. Anh Huy mà!”
“Anh Huy? Ảnh là ai vậy? … Bà con hả?”
“Không. Bạn chị Lệ đó.”
Xê ngả người ra sau, cố trấn tỉnh, lấy thuốc ra hút. Thủy vẫn chăm chú xem phim, miệng nhai kẹo chewing gum. Bộ phim kung-fu gì đó, đánh đấm lung tung chẳng dính dấp gì đến ruột gan eo xèo của Xê cả. Xê mở mảnh giấy đã vò nát ra xem lại. Đọc đến chỗ mấy người bạn, chàng tức điên lên. “Đúng là có trục trặc rồi. Cô ta biết trước điều đó. Hừm, mà thằng Huy nào vậy cà? Chắc là mới quen. Huy, hừ, tên hay nhỉ! Huy hoàng, huy quang, tà huy, Huy Lệ. Huy là sáng, Lệ là đẹp. Cũng hạp đó chớ. Xê. Trời ơi, ba má hết chữ rồi sao đặt tên mình dở tệ vậy! Xê ra, xê vô, xê dịch, xê xích, xu xê, xàng xê… chẳng có nghĩa gì hay ho cả!” Xê nhẩm đọc tên mình như mới được nghe lần đầu.
“Thủy à, sao bé không đi chơi với chị Lệ, anh Huy?”
“Anh Huy đâu có kêu em đi mà đi.”
Xê thầm rủa: “Đúng là sợ vướng víu, bắt con nhỏ ở nhà. Mình đi lúc nào cũng kéo bé Thủy đi chơi chung.” Vò nghiến mảnh giấy trong tay lần nữa mà vẫn chưa thấy hả giận, Xê ném nó vào sọt rác ở góc phòng. Thấy phim đang chiếu tới phần giới thiệu tài tử và phim mới, Thủy đang rảnh rỗi được vài phút, Xê chụp hỏi ngay:
“Phải anh Huy thấp thấp người như anh đó không?”
“Đâu phải, anh Huy này to cao như Mỹ vậy.”
“Thế à!”
Xê rầu rầu than trong lòng: “Lại hơn mình một điểm nữa”, rồi hỏi tiếp:
“Cao mà cái mặt thấy ghê như anh Tân bạn anh phải không?”
Thuœy ngoẻo đầu sang một bên, nhìn Xê như để so sánh với Huy:
“Đâu có, anh Huy đẹp trai như tài tử xi-nê vậy.”
Xê thất vọng. Kể về điển trai thì chàng cũng chẳng hơn Tân là bao. Chàng có cái mũi huếch độc đáo, lúc nào cũng nghếch lên trời khiến cho mấy thằng bạn cứ chọc là chàng có ý kênh xì-po với mọi người. Chưa hết, mũi nghếch lên thì miệng cũng hô ra, nếu không giống cái nạo dừa thì cũng giống cái mũi của chiếc giầy hư cũ: há tòe loe ra một cách không ngại ngùng. Còn nữa, đôi mắt lươn! Thiệt khổ, đôi mắt này thực ra không thể là của một người hiền lành tốt bụng như chàng, vậy mà nó thiệt là của chàng. Nó đã cho người ta cái cảm tưởng đầu tiên khi gặp chàng là kẻ bất lương. Họ nói những người mắt lươn không khi nào thực thà mà luôn luôn là kẻ gian xảo, man trá, lợi dụng, lường gạt, nịnh bợ, đãi bôi, láu cá, hiểm độc, nhỏ mọn, ích kỷ, thù vặt v.v… ôi thôi là đủ mọi cái gian cái xấu trên đời! Nghĩ về thân phận mình, Xê thấy ủ ê, chán chường, nhưng chàng cứ tiếp tục tìm hiểu cho đến tận cùng:
“À, vậy anh biết rồi, phải anh Huy mà ăn bận lôi thôi, quê mùa, xập xệ như thằng Phô ở nhà kế bên không?”
Thủy lắc đầu nguầy nguậy, mắt nhìn truyền hình, miệng trả lời:
“Anh Huy điệu hết chỗ nói. Chị Lệ nói ảnh giống như người mẫu đó.”
Xê vò đầu bức tai, cảm thấy mình như bị dìm vào một vũng lầy, ngọ nguậy như con trùn đứt đôi: một nửa vùng vẫy ngoi tìm lối thoát, một nửa còn lại thì quằn quại với nỗi đau mất mát, ê chề với thất bại không ngờ của mình. “Sao mình chẳng hơn người ta cái gì hết vậy kìa? À, còn bằng cấp, tiền bạc? Những thứ ấy ở Mỹ này chán khối gì người có”. Xê thở dài, không tin vốn liếng cấp bằng cũng như nghề nghiệp với lương bổng khiêm tốn của mình. Nỗi lòng đôi lúc cũng xìu đi như cái lốp xe bị lủng. “Không còn gì để nói nữa,” Xê nghĩ vậy, đứng lên, xoa đầu Thủy một cái, nói bằng giọng hụt hơi: