Truyện ngắn đi viếng ma do Truyendammy.vip sưu tầm đọc truyện ngắn đi viếng ma.
Xem truyện ngắn: Đi viếng ma
Tác giả: Trọng Huân
Hơn hai chục năm rồi tôi mới có dịp trở lại. Nghề làm báo nên có dịp đây đó. Đã từng đặt chân tới nhiều nơi, nhưng không hiểu sao, huyện miền núi ấy và không ít chuyện ở đó, đôi lúc lại chập chờn trong tôi.
Giờ huyện thay đổi nhiều. Rừng xanh ngút ngát khi xưa, nay lùi xa, thay vào đó bằng những quả đồi trọc đỏ, hay một màu đá xám xịt. Phố huyện nhà hai, ba tầng, cái chóp nhọn, cái mái tròn củ hành,… san sát. Còn đường xá trải nhựa, rộng hai làn xe. Chả nghe tiếng tắc kè đực cái phố núi kêu hoang vắng nữa. Dấu vết xưa tìm kiếm mãi mới thấy căn dinh thự Pháp cổ.
Buổi chiều, sau khi làm việc với lãnh đạo huyện xong, tôi lơ vơ ra phố, dạo. Thấy quán nước ven đường, giữa một khung cảnh nên thơ, liền tạt vào. Ngoài tôi là khách ra, còn bà chủ quán và ông già cỡ tám chục. Nhìn ông, thấy nét quen quen. Chợt nghĩ, phải chăng là gương mặt người vùng cao – mình cứ vơ vào quen. Là khách lạ nên tôi mau mắn chào hỏi họ. Quán nước mà như cửa hàng bách hóa, bày biện đủ thứ, kẹo bánh, dầu gội đầu, áo quần, nhãn hiệu Tây – Tàu sặc sỡ. Ông già ngồi suông, không nước non gì. Sau câu chào của tôi, ông nghếch mắt, hỏi:
– Ông là cán bộ đến làm việc với… huyện?
– Dạ…
– Nắm tình hình gì…?
– Dạ, tình hình chung…. thôi ạ!
– Thế có nắm tình hình riêng không?
Tôi chỉ biết cười cho phải phép.
– Muốn tình hình riêng, như … cán bộ huyện này chẳng hạn, tôi cấp cho. Tham nhũng, tham ô đầy! Cứ nhìn nhà chủ tịch ở giữa phố kia kìa, bốn, năm tầng, toàn gỗ quý, hiếm, khắc rõ. Gỗ, tiền ấy ở đâu ….? Của dân, của nước cả đấy!
Chà chà… tự dưng lại rơi vào tình thế khó xử. May mà không khoe là nhà báo. Còn đang lúng túng, thì bà chủ quán gỡ nguy:
– Thôi, thôi ông ơi! Ông về nghỉ cho con còn bán hàng chứ. Suốt ngày tiêu cực, sốt cả ruột!
Ông già nhìn chủ quán với con mắt khinh thường, bực bội đứng lên, hứ hứ gì đó. Khi ông già đi khuất rồi, bà chủ thủng thẳng:
– Hâm. Suốt ngày kêu ca, suốt ngày chống tiêu cực. Ông có biết lão già ấy là ai không? Bí thư huyện đấy!
– Năm nào…. ạ?
– Hồi bảy mươi, tám mươi ấy!
À, hóa ra đó là ông bí thư tôi từng làm việc. Thảo nào, khuôn mặt thấy quen.
Huyện có núi rừng, mỏ, biển – một huyện đầy tiềm năng – rừng vàng bể bạc. Ngày ấy dân huyện nghèo lắm. Phất phơ phố núi là những túp nhà tranh, vách đất. Cả phố duy nhất có dãy nhà xây, mái ngói âm dương của người Hoa bỏ lại. Nó cũng chỉ là những căn nhà lòng hẹp, sâu hút.
Nguy nga nhất là khu dinh thự Pháp cổ, ngự sừng sững trên quả đồi cao. Nghe nói, xây dựng ít ra cũng hơn trăm năm rồi. Đây là dinh thự của viên quan kiểm lâm. Từ dinh thự nhìn bao quát cả một vùng rừng núi mênh mông. Công nhận, người Pháp có tầm nhìn xa. Nói về quản lý, họ là bậc thày. Chỉ cần một ông quan mũi lõ, mắt xanh và dăm, ba anh lính ta, rừng được giữa yên. Đến một cây gỗ, dân tịnh không dám bén mảng đến. Có thể lúc đó dân trí ta thấp, mà sợ; cũng có thể luật pháp thực thi nghiêm. Người ta bảo, bây giờ dân chủ quá, dân chủ đến vô chủ, đâm ra ai làm chủ cũng được.
Ngày tôi đến, khu dinh thự ấy vừa là nơi làm việc, vừa là chỗ nghỉ ngơi của bí thư huyện.
Ông ta là người thế nào? Lần đầu tiếp xúc, tôi phân vân quá! Trong lúc tôi trình bày nội dung chuyến công tác, vị bí thư hầu như không nói câu nào, cũng chả nhìn và không rõ, có nghe tôi nói không. Tôi chỉ nghe được mỗi câu, trước khi kết thúc cuộc làm việc:
– Nhà báo cứ tìm hiểu tình hình chung đã!
Sau cả tuần, tư liệu gần như tay trắng. Cán bộ mà tôi tiếp xúc, đều rụt rè, theo kiểu tiếp cho phải phép. Tôi lo lắng, về tòa soạn viết vẽ gì đây? Sáng đó làm việc với vị Trưởng phòng Nông – Lâm, sau khi pha trà, mời nước, ông đưa tôi tập tài liệu in rô nê ô dày cộp:
– Nhà báo cứ xem.… Thế mạnh huyện nhà đấy!
Thời kỳ ấy cả nước thiếu đói. Để cứu mình, dân miền xuôi chèo tàu, leo xe lên trung du, miền núi, bòn mót mua ngô, sắn về chống đói. Còn các tỉnh huyện, rộ lên phong trào, xác định thế mạnh huyện nhà.
Huyện miền núi này, bí thư cũng trăn trở. Sau những đêm dài mất ngủ, ông chợt nhận ra, huyện có bao cán bộ học hành, nào trung cấp xây dựng; nào cao đẳng sư phạm; nào kỹ sư canh nông – toàn là trí thức. Lâu này, nhìn họ lĩnh lương, suốt ngày ngồi rỗi hút thuốc lào vặt, bí thư đã tức. Nuôi thế, có bằng phí cơm gạo của nhà nước! Tại sao không xua xuống cơ sở – gọi là hạ phóng – tìm kiếm thế mạnh huyện nhà? Thế là ông tức tốc ra quyết định.
Lạ không, lệnh ban ra, cán bộ lại phấn khởi ra mặt cơ chứ, phấn khởi suýt chết. Lâu nay, lĩnh đồng lương chết đói, ngày ngày vờ vật thưởng thức nước chè, tán chuyện trên trời dưới bể mãi, đâm chán. Nay được thả rông về quê, về bản mấy tháng, ai chẳng sướng, sướng nhảy lên ấy.
Về quê rồi, chả cán bộ nào bận tâm tìm thế mạnh huyện nhà. Mạnh ai lấy làm, người thì tranh thủ phát rừng làm nương; kẻ vào rừng, chặt cây làm củi.
Ngày đó ta chưa mở cửa đường biên, chưa tự do thông thương, nhưng dân thì vẫn thậm thụt qua lại biên giới. Họ khuân chăn con công, pin đèn, phích nước từ bên kia về, gùi thảo quả, móng trâu, rồi tắc kè, sang bán.
Huyện này, ba kích nhiều vô thiên lủng. Lâu nay dân chúng vẫn ngấm ngầm vào rừng đào bới, đào tận củ tỉ cu ti, non già, ló ra cây nào, đào bới cây ấy. Giống này được giá lắm. Ai chẳng hay, ba kích, tắc kè ngâm rượu, đại quý, đại bổ. Ông chồng nào chỉ uống một lần, là bà vợ nhớ đời sướng.
Hết thời gian hạ phóng, các trí thức huyện nhà lục tục trở lại huyện đường, trở lại công việc thường nhật – uống nước chè suông và nay thêm viết báo cáo. Nghĩ ra thế nào, thì viết thế. Hàng mấy chục báo cáo, nên đề xuất nhiều lắm:
“Kính thưa đồng chí Bí thư! Tre rừng huyện ta nhiều vô kể. Tre thì có gai. Rừng tre huyện ta có hàng triệu, hàng tỷ cái gai. Gai tre mà xuất khẩu cho Tây nhể ốc, kiếm bộn đô la.
Kính thưa đồng chí Bí thư!
…….
Ở hội trường bí thư ngồi nghe đề xuất, mà sốt ruột, chả ưng ý cái nào. Ai đời lại đề xuất thế mạnh gai tre cơ chứ. Có phải thời kỳ chống Pháp, làm hầm chông bẫy giặc đâu, mà cần gai tre.
Nghe giọng đọc báo cáo đều đều, bí thư đâm buồn ngủ. Dù lơ mơ, nhưng chuyện gẫu của nhân viên, đều lọt vào tai ông. Toàn chuyện linh tinh – nghe thấy bực mình. Ông đã định nhỏm dậy, mắng cho một trận. Chợt nghe câu chuyện đào bới ba kích của nhà anh cán bộ nọ, đổi được năm tạ thóc, bí thư đâm nghĩ ngợi. Là cán bộ đứng đầu huyện như ông, tháng được đong 13 cân gạo. Năm tạ thóc, bằng cả ba năm gạo đong của ông còn gì. Thế thì bở quá! Ừ… thế mạnh là đây, việc gì phải tìm kiếm nữa. Đang lim rim, bí thư nhỏm phắt dậy:
– Trật tự, trật tự!
Cán bộ cả hội ngơ ngác. Nhiều trí thức đang gẫu chuyện, giật cả mình. Kìa, bí thư xăng xái bước lên. Trên bục, chị chàng trí thức đang gân cổ đọc đề xuất thế mạnh, dúm người lại.
– Xuống!
Tiếng ông rền như sấm. Chị trí thức kia luống cuống, tưởng thủ trưởng tức cái đề xuất ẩm ương của mình. Dưới hội trường mọi người sợ run. Chắc phen này bí thư sẽ chỉnh cho cả lũ một trận. Nhưng kìa, sao nét mặt thủ trưởng tươi, tươi quá. Ông hắng giọng:
– Ứ… hừ hư!
Hội trường im phắc.
– Thế mạnh, mũi nhọn huyện nhà là gì?
Bí thư hỏi, hội trường im phăng phắc hơn.
– Có r…ồ…i !
Đâu đó tiếng thì thầm:
– Có rồi! C..ó rồi!
– Trật tự…
Lại tiếng thủ trương long trời lở đất.
Cả hội trường một phen nữa im phắc. Tất cả nín thở, chuẩn bị hớp lấy từng lời bí thư:
– Ba kích, ba kích…