Truyện ngắn công việc cuối đời do Truyendammy.vip sưu tầm đọc truyện ngắn công việc cuối đời.
Xem truyện ngắn: Công việc cuối đời
Tác giả: Đoàn Ngọc Hà
Ông bà Thung vui vẻ vào bữa. Lâu nay, theo sáng kiến của ông bữa nào cũng có món “ghém”, ghém ở đây là những chuyện vui làm cho bữa ăn ngon.
Vốn là giáo viên văn, người đẫy đà, ưa ướt át, nên chuyện của bà khá đậm. Ông thường khà khà với đám tướng tá trong hội cựu chiến binh rằng ông hơn đứt các cậu khoản ấy.
Bà vừa kể ông nghe cái chuyện cười vãi nước mắt. Cậu Mãng ở quê ra chợ tỉnh gặp một ả… Nó ngọt như đường. Nó thơm lựng. Nó nhúng nhính. Nó điệu đà. Nó thế nào nữa mà cậu è vai gánh cho nó bao nhiêu là hàng hóa. Đến quãng vắng, nó xin hàng, cám ơn. Khổ! Nó cứ liu riu như sáo, va động vào cậu để… trả công. Cậu thẹn điếng. Về nhà nói với bà, còn ngốt lên vỗ đùi đen đét rằng tiếc.
– Rõ thiệt! Mình có thấy quê mùa ra tỉnh là cứ thiệt…!
Vị trung tá già ngậm ngùi.
– Thiệt đứt chứ lị! Nhưng rồi nghĩ mà thương cho nó! Mãng, con đô Vãng; khỏe nhất vùng. Ông khăn gói đi khắp nơi, vật đổ trăm miền thiên hạ. Vào vật, ông uống một lon nước cua rồi bùng lên như một con hổ. Năm vật ở Kẻ Lý, đám không minh, tức máu, ông bê cả phản quan viên ném vèo ra ngoài sới. Ông bị họ thù, đâm lòi ruột… Mãng có cái dáng của cha. Đen sì và cao ngộc, nghịch ngợm bông lơn nhưng ít học. Vợ sảy thai, nửa đêm hồng hộc cõng chạy xuống trạm xã. Vợ chết, sống độc thân…
– Xóm mình còn con Bột… đến tội! Bà gắp miếng cá kho dọc mùng đắp vào bát cho ông.
Ông lặng thinh. Bà nhâm nhỉ:
– Hôm qua nó chỉ vào trán tôi: “Nhà bà có đức mà chưa có hậu!”…
– Vậy là nó đã nói động đến nhà ta. – Ông nhỏ nhẻ nhai miếng cơm.
– Thế còn khá! ừ, nói vậy là còn khá…
Đêm ấy, ông không ngủ được. Tầm quá nửa đêm, ông ra khu vườn. Thói quen của ông trong những lúc buồn thường ra vườn ngồi cho tĩnh tâm. Vượt qua những khoảng trống lộng lẫy ánh trăng, ông đến bên phiến đá đặt dưới gốc một cây nhãn. Trước đây phiến đá hướng thẳng ra ao để ông hưởng chút mát lành của hơi nước. Bây giờ, cái ao mang nỗi đau rỉ máu trong lòng ông. Ông hướng thẳng phiến đá về phía vườn nhà cái Bột. Cái vườn hoang ấy thênh thang và rách rưới, vui mắt một chút là những cây bạch đàn. ồ! Lâu nay, ông vẫn ngắm những thân cây ấy, sao mà nó đẹp! Nó ngời sáng như một tia sữa vọt từ lòng đất vào đêm đen. Như cái đêm nay thì nó vươn trắng, mịn nõn tựa da thịt người… Cây đó mà người đâu? Ông Năm Hạng, bố cái Bột trồng nên hàng cây đó… Con người ấy lùn dính đất, lừ lừ và đen trũi. Ông đã lấy những cây bạch đàn ở vườn ươm hợp tác mang về trồng ở vườn nhà mình. Chủ nhiệm sỉ mắng thậm tệ và tuyên bố đó là tài sản chung, khi nào cây lớn, hợp tác hạ xuống dùng. Uất quá, lão già ốm mà chết.
Bố chết, con bé không còn biết nương tựa vào ai. Mẹ nó như một quả sung rụng, nay ốm, mai đau. Nó đành bỏ cái quyết tâm vào đại học nông nghiệp. May mắn, nó được hợp tác ưu ái đưa vào chân kế toán phụ. Nó hăng sổi, tính toán nhanh, làm giỏi. Người ta có ý bồi dưỡng nó vào chân kế cận. Trong tổ tài vụ hợp tác, có một người khá hào hiệp. Anh ta trắng trẻo, điển trai nếu không có cái chân thọt bắt anh vừa đi vừa “chấm phẩy” xuống đất…
Anh chàng ba con lén vợ, yêu vụng dấu thầm cô kế toán phụ. Bột được anh quan tâm mọi mặt. Cuối cùng thì cô gái hai mươi tuổi đổi một đêm cho gã “chấm phẩy” để được một mảnh vải pho. Hợp tác đùng đùng đổ bễ do một vụ tham nhũng. Chủ nhiệm lao đao. Kế toán trưởng lộ tẩy về kinh tế, Bột chửa hoang. Cô bị đe dọa nghiêm trọng, bị phạt đền khá nặng nếu không bảo vệ uy tín cho ban quản lý. Và thế là Bột rời hợp tác với một tấm thân ô uế, chịu mang tiếng là một con đĩ nơi đầu đình xó chợ… Mọi việc đâu lại vào đấy. Đoàn thanh tra về chỉ là để trấn an dư luận. Chủ nhiệm vẫn vững vàng.
Gã “chấm phẩy” điển trai vẫn cứ vênh vang lên kính gọng vàng chấm phẩy trên mặt đường đầy rác rưởi…
Cho đến một đêm, ồ cái đêm cũng trăng sáng như thế này đây. Dạo ấy trung tá Thung vừa chấm dứt cuộc đời binh nghiệp về quê. Ông ngồi thả câu bên cầu ao sau nhà. Một tiếng hét rợn gáy làm ông sửng sốt. Tiếng lịch huỵch chạy đuổi bên vườn ông Năm Hạng. Hai bóng đen túm được nhau giằng co. Đó là mẹ con bà Năm. Bà rít lên, bổ soài néo con lại. Đứa con gái vọt lên. Mỗi lần bà túm được nó lại bị nó vằng cho ngã khuỵu. Cuối cùng thì đứa con gái lao như một mũi tên đến rệ ao. Một tiếng “tõm” ghê rợn! Bà già bò ra mép nước, chới với đôi tay về phía quầng sáng đang vỡ ra lan rộng.
– Ôi con ơi là con ơi! Thôi thế là mang tội với trời… Đứa con gái xốc bà già lên trong tiếng nấc.
– Con xin mẹ! Đó là đứa con của con nhưng lại là giọt máu của một thằng khốn nạn nhất trần đời này!…
Hai mẹ con người khốn khổ đã về rồi, trung tá Thung còn đứng lặng đầu ủ rũ. Ông cứ nhìn trân trân vào cái khoảng sáng lạnh ở một góc ao.
ở đấy vừa chôn một con người…
Trở về phòng ngủ, ông lảo đảo nằm vật xuống. Ông không thể nói nỗi kinh hoàng này cho bà biết. Nằm một lúc lâu, ông hốt hoảng chạy ra ao. Liệu còn cứu sống được nó không. Đó, cái khoảng nước sáng như một miếng thủy tinh.
Cái ao là một cỗ quan tài, miếng thủy tinh đậy nắp. Ông thấy bức bối, khổ đau.
Làm sao lúc ấy, ông không lội ào xuống? Đã đành rằng vết thương làm một khúc xương ống của ông bị dò không bao giờ lội nước được nữa, nhưng ông đã làm ngơ trước một tai nạn! Tự nhiên ông thấy mình tàn nhẫn.
Sáng ấy, bà đi chợ. Ông gọi thằng Thủy. Nó đang leo cây ổi. Nghe tiếng ông ở mé ao, nó nhảy phốc xuống. Ông chỉ tay xuống một góc ao, nơi gần một bè bương ngâm:
– Con xuống đó mò thử xem nếu thấy một vật gì cũng mang lên cho bố!
Ông vừa dứt lời thì thằng bé đã lao xuống như một con nhái. Nó lặn ngụp, mò mẫm rồi nhô lên vuốt mặt, lau láu:
– Bố ạ! Rõ con chạm vào cái gì trơn trơn choài vào trong bè!
Ông chưa kịp nói gì thì thằng bé đã tụt xuống. Và vĩnh viễn nó xuống thủy cung, không bao giờ trở về với ông bà nữa! Thằng Thủy – đứa con duy nhất của ông, lận đận mãi mới có được nó, mắc vào giữa bè bương. Cái láu táu, dại dột trẻ thơ của nó đã làm ông gây nên một tội ác cuối đời. Ông muốn vớt để chôn đứa bé sơ sinh tội nghiệp kia thì lại giết luôn con mình.
Nỗi đau của ông ngày càng tấy lên da diết cùng với nỗi đau người hàng xóm.
Bà Năm Hạng ốm liệt. Bột phải bán cả cái xe đạp rách chạy thuốc cho mẹ, rồi nó phải lặn xuống những thùng sâu đồng vắng mò ốc kiếm sống. Nó mò ốc… chao ôi! Người đâu chả thấy, chỉ thấy cái nón nổi lều bều… Được dịp, người ta bắt đầu nói những chuyện rùng rợn, bao nhiêu là chuyện rùng rợn!
Gương nhỡn tiền ra đấy – người ta bình luận – trời có mắt, trời quả báo cho mà biết. Loại cầm thú còn biết thương con nữa là người. Con đĩ ấy mà chết thì cứ phải leo cầu vồng cho chó ngao nó cắn lòi ruột! Những tiếng rủa sả còn ác độc hơn những mũi tên nhọn. Bây giờ nó mới thấy đau. Nó có tội tình gì. ối trời ơi, đau đớn quá! Có ai giết người như nó không? Trời ơi là trời, nó là người hay là quỷ mà dám làm cái việc man rợ ấy? Sống làm gì nữa? Nào nó muốn thế đâu?
Nó chắp tay lạy thiên hạ trời đất cứu sinh cho nó. Quả là nó oan. Nó cuống cuồng cào cấu. Nỗi đau dồn nén đến cực độ. Liệu nó có làm người được nữa không? Đến khi đắp xong nấm mộ cho mẹ thì Bột làm cả làng kinh dị. Nó đập cửa đùng đùng và cười lên khanh khách. Nó múa, hát, giật tung cúc ngực, xổ tóc, cười khóc, nhảy nhót uốn éo… Trời ơi! Nó thành con điên mất rồi. Cả làng đổ ra đường xem con Bột điên. Trẻ con ném đá, la hét. Các bà khoặm mặt lại. Tụi thanh niên hô hố vỗ tay. Một con điên trẻ! Chao ôi, một đứa con gái điên, tấm thân bà mụ nặn, đôi chồi xuân tròn xoe trên ngực.
Trước con mắt nhớn nhác của mọi người, nó giậm chân xuống đường mà hét:
– Ta là bà chúa cửa hang, bà hoàng cửa bể! Kia kìa cái làng thối gốc trồi rễ, bán cả đình chùa. Một vạn cái đầu lâu hoa cái nằm như ốc kia kìa. Chỗ của các ngài làm việc! Đâu? Chỗ nào?…
Nó thét lác. Nó lồng lộn như ngựa xuống cuối làng. Nó chỉ vào ngôi chùa đổ nát còn có thập điện giữa trống hoắc mà giẫy lên đành đạch: “Đâu? Chỗ nào?” “Chỗ các ngài làm việc?” Nó nói cứ như rắn trong lỗ bò ra. Khiếp vía!… Cái sự âm dương cách biệt, trời phật biết đâu, làm sao nó quái ra thế này?
Từ hôm ấy, làng bắt đầu lâm vào một không khí nghiêm trọng. Các cụ bàn tán. Nhiều người được báo mộng. Bói ra khoa thấy. Việc vỡ lở…” Một vạn cái đầu lâu hoa cái” là khu tập thể hóa mồ mà. Còn chỗ các ngài làm việc thì chả phải nói. Chùa Thượng trước đấy thờ cúng rầng rậc. Hợp tác phá ra làm nhà kho. Đức Phật, xiêm y, cờ quạt… xếp đống, mối mọt hết. Khi có chủ trương chia ruộng khoán, hợp tác co lại, kho tàng không còn nữa, ngôi chùa cổ bị tàn phá mới lộ ra những vẻ thảm hại của nó…
Như một cơ may, chùa làng ráo riết được lập lại. Chả xây kịp thì người ta đắp đất, trát vách. Chưa có ngói, người ta lợp rạ. Hẵng dọn lấy ba gian “mời các ngài về làm việc”. Tượng chưa có thì thuê đắp. Tượng thạch cao đắp nhanh lắm. Con cháu lí lém đi xin tượng, có khi còn bê trộm, đánh cắp tượng làng khác! Bát hương cũng tân tiến; bằng nhựa, bằng… cả một cái mũ cối to tổ bố đặt giữa tòa sen!
Vậy mà ngày khánh thành, tế lễ xập xèng cũng rộn rã lắm. Các già lụ khụ lên những chiếc áo dài từ tám đời meo mốc. Họ quỳ lậy, khấn khứa cầu cho phúc lai, tai tống, cầu cho con của thì tươi, con người thì tốt, cầu cho… Choảng!…
Một tiếng đập dữ dội. Các cụ giật mình ngơ ngác. Con điên! Con điên. Nó vừa ném cái đĩa hoa trên Tam Bảo… các cụ lộn ruột. Không lẽ làm thế nào. Nó đã đứng giữa gian chùa mất rồi. Mấy thằng chũm chọe, mấy lão đang gõ đập trống thùm thùm cũng phải ngừng tay len lét nhìn vào hai quả dâu chín sậm trên ngực nó. Mấy lão cung văn đang “ê à ê a” cũng thu chân bó gối. Nó hét lên như xé vải rồi tung cái khăn quay tít như vũ ba lê. Khổ nhất là cái đít của nó cứ ninh ních quay vào cửa Tam Bảo. Một lão chũm chọe lộn máu phát đánh bốp vào mông nó: “Hỗn! Cứ quay đít vào cửa Phật!”. Nó quay phắt lại, nhảy vọt lên đậu vào cổ lão chũm chọe dìm xuống: “Phật là ai? Phật là ta kia kìa!…”
Ai dè vừa lúc ấy cái mũ cối bốc hỏa, bát hương cháy đùng đùng. Ba gian chùa lửa loa lóa, khói đặc kịt, tiếng hét của con quỷ nửa người nửa phật làm ai nấy kinh dị. Có người còn nửa tin nửa ngờ nhưng ai nấy sởn gai rợn gáy. Phật về.