Truyện ngắn diễn vai kép do Truyendammy.vip sưu tầm đọc truyện ngắn diễn vai kép.
Xem truyện ngắn: Diễn vai kép
Tác giả: Lê Anh Hoài
Dạo ấy tôi mới ra trường, đang thất nghiệp. Anh Hà thì mới ly dị vợ. Anh Hà là diễn viên kịch, cao to đẹp trai. Đoàn kịch của anh đang ế ẩm.
“Diễn viên trẻ, không danh hiệu như tao, đói thối mồm” – anh Hà tóm gọn cái thời vận của mình như vậy rồi cười to “A hà hà” đầy sảng khoái. Vợ anh Hà vốn là một ca sĩ đi lên từ phong trào ca nhạc quần chúng.
Anh Hà hay rủ tôi lên xe máy đi lòng vòng. Có lúc hứng chí chúng tôi lên tận Bắc Ninh, tận Sơn Tây, chả thăm ai, chả vào đình vào chùa nào, chỉ ngồi quán uống mấy chén rượu suông rồi về. Anh Hà uống không say nhưng hay nói. Chuyện anh Hà hay nói nhất là chuyện đàn bà, những người đàn bà “đã có với tao một cuộc tình. A hà hà”. Họ làm đủ nghề: bác sĩ, kỹ sư, công nhân, họa sĩ, bán quán, sinh viên… Người xinh kẻ xấu, người đoan trang kẻ mạnh bạo… Qua hàng chục cuộc đi, hàng chục cuộc rượu như thế, tôi chỉ thấy họ lờ mờ qua màn sương, người nọ lẫn vào người kia, cặp mắt buồn bã trống rỗng mặc dù anh Hà kể chuyện rất có duyên. Có lẽ tôi chưa hiểu gì về đàn bà cả mặc dù đã có hẳn một mối tình mấy năm sinh viên, và chính sự ngây ngô của tôi đã kích thích anh Hà kể chuyện.
Một buổi chiều mưa phùn gió bấc, anh Hà dẫn tôi đến một xóm ngoại thành ven sông. Chúng tôi ngồi thu lu trong một cái quán sát cầu. Cảnh vật buồn không thể tả được. Lần đầu tiên tôi uống đến chén rượu thứ ba. Con sông nước đỏ ngầu rũ rượi. Tôi kể chuyện tình sinh viên của tôi. Anh Hà nghe chăm chú, nhắp rượu liên tục. Kể xong, tôi buồn thấm thía, lần đầu tiên tôi buồn vì chuyện này đến vậy. Anh Hà đã trở lại vẻ mặt thản nhiên thường lệ, hỏi:
– Hôm đám cưới nó, nó nhìn mày kiểu gì?
Hôm ấy, nàng nhìn tôi kiểu gì? Ai oán bi lụy? Vui tươi nồng ấm? Hả hê khinh bỉ? Không, nàng nhìn lướt qua đầu tôi, có vẻ lo lắng đăm chiêu. Anh Hà cười nhạt:
– Tất nhiên. Mày dại rồi. Loại mày làm sao đủ bản lĩnh đi dự đám cưới người tình cũ. Người ta chỉ làm như vậy trong hai trường hợp. Một là uống để cho mụ đi, rồi giắt con dao phay hoặc một nửa hòn gạch vào người. Hai là ăn mặc lịch thiệp, cho mấy chục nghìn đồng vào cái phong bì, đề chữ thật trang nhã ở ngoài: Chân thành chúc mừng hạnh phúc của hai bạn, viết tên chúng nó, ký tên ta vào.
Tôi đần độn trong bộ quần áo mặc từ thời sinh viên, đần độn góp tiền để mua một cái chậu to tướng và một cái xoong quấy bột trẻ con (“Quà mừng của tập thể bạn trai cùng lớp”), đần độn chạy lăng xăng kê dọn bàn ghế.
Đêm hôm đó, tôi đần độn ngồi nhìn ngọn lửa ngốn dần những lá thư, những bưu thiếp, những khăn tay, những cuốn sổ chép đầy thơ và danh ngôn tình yêu.
Một luồng gió từ sông hắt lên lạnh buốt. Trời đã tối sập xuống. Anh Hà xoay mình sang bà chủ quán nãy giờ vẫn gà gật cạnh bóng chiều đông thê thảm hắt qua cái mành mành:
– Nhà cô Hạnh ở đâu hả bà?
– Hạnh nào? – bà già bỗng tỉnh như sáo – Hạnh con ông lang, Hạnh con bà bí thư, Hạnh thọt, Hạnh đi Tây về… Xóm này nhiều Hạnh vứt không hết.
– Hạnh cô giáo, lấy chồng về ở đây.
– A, cô giáo, mặt lúc nào cũng rầu rầu chứ gì. Đi men bức tường dài, đến cái ao nhìn sang trái thấy cái nhà nào hai tầng là nhà nó. Gớm kín tiếng thế, đến đây nhẵn mặt nay mới hở ra một câu.
– Bà cho hỏi chồng cô ấy có nhà không ạ?
– Biết được. Này con trai ơi, trâu ta ăn cỏ đồng ta, rét thế này về ôm vợ có sướng hơn không – Bà già cười, trẻ ra đến hai chục tuổi. Anh Hà ngửa cổ lên trời, ngâm:
– Trâu ta ăn cỏ đồng ta, đồng ta hết cỏ ăn ra đồng người chứ. A hà hà. Bà cho con gửi cái xe. Nào, lên đường.
Chúng tôi bì bõm trong con ngõ tối. Anh Hà hể hả giảng giải:
– Các bà già lõi lắm. Úp úp mở mở là dại. Cứ nói toẹt ra, thế là trí tưởng tượng của các bà không bị kích động nữa, họ sẽ mất khả năng đưa chuyện. Hơn nữa, khi không được trí tưởng tượng chắp cánh, họ sẽ bị bối rối. Rút cục chuyện thật tưởng đùa. Đó chính là “nói thật như giả”, bi kịch của trung thần nghĩa sĩ đấy. Ngoài đòn ấy còn có đòn “nói giả như thật”…
Tôi vô ý giẫm bẹp vào vũng nước, nước bẩn tóe lên làm ngắt mạch nói của anh Hà:
– Chị Hạnh này là… người quen của anh?
– Mối tình đầu của tao đấy. À, tao chưa kể chuyện về nó nhỉ. Nhưng cũng chẳng có gì, y như chuyện của mày thôi.
Hết đoạn đường tối, chúng tôi đứng sững lại. Ánh đèn vàng vọt hắt vào mặt anh Hà, trông anh nham hiểm đồng thời tuyệt vọng đến ghê người. Tôi run bắn:
– Thôi về đi anh.
– Cái gì? Mày trông có phải cái nhà kia không, có đèn đúng không. Xông vào. Phải vào hang cọp mới bắt được cọp con chứ. Tao sẽ cho mày xem.
Anh Hà định bắt cái gì tôi không hiểu. Chúng tôi đứng trước một cái cửa dẫn vào một cái hang ấm áp và sáng sủa, tôi hình dung thế. Anh Hà thận trọng gõ cửa, cửa mở ngay như chỉ chờ có thế. Ánh sáng và hơi ấm tràn ra cùng với một khuôn mặt đờ ra trắng nhợt:
– Anh… anh… (lặng phắt hai giây). Vào nhà đi… hai anh em.
Chúng tôi ngồi thụt vào bộ sa lông đắt tiền. Chị Hạnh lập cập lấy ấm chén đi rửa. Choang, một cái chén rời khỏi khay rơi xuống vỡ tan tành.
– Em đoảng quá.
– Đổ vỡ là điềm lành. Mà thôi đừng pha nước, khách sáo lắm.
Nhà chị Hạnh đầy đủ tiện nghi. Tôi chỉ không thích phiên bản của bức tranh nổi tiếng Thiếu nữ và hoa huệ trên tường bởi vẻ mặt lãnh cảm của thiếu nữ. Chị Hạnh mở nhạc vừa độ. Tôi lùi ra góc với tờ báo che lấp mặt. Trong không gian riêng ước lệ được tạo nên bởi những giới hạn thực – ảo ấy, tôi vẫn nghe văng vẳng từng đoạn câu chuyện của anh Hà và chị Hạnh.