VN88 VN88

Vết thương trong không gian đó

Truyện ngắn vết thương trong không gian đó do Truyendammy.vip sưu tầm đọc truyện ngắn vết thương trong không gian đó.

Vet thuong trong khong gian do

Xem truyện ngắn: Vết thương trong không gian đó
Tác giả: Bão Vũ

Tôi, cao mét bảy sáu, ria rậm, tóc dài buộc túm đuôi gà, giọng khàn, có thể cởi trần với chiếc quần bò chẽn mà không hổ thẹn. Tôi, với cây ghi ta, có thể lên gân toàn thân, sô lô tới mười phút khiến khán giả nín thở, phó thác linh hồn để tôi dẫn dắt đi tới cùng trời cuối đất.

Và khi kết thúc trường đoạn “quỷ khiếp thần kinh” đó bằng một hợp âm chát chúa cùng với tiếng hú rung chuyển rừng núi của Ba na, tôi đứng dạng chân hiên ngang, tay giơ miếng mê đi a to lên như anh chàng Đan cô giơ cao trái tim bốc cháy của mình, khuôn mặt dại đi đau đớn, đón nhận tiếng gào thét của những người ái mộ. Tiếng gào thét như một cơn sóng thần tung tôi tới tột đỉnh vinh quang.

Anh nhăn mặt ư? Không, cái nghiệp nó thế. Lang thang, gào thét quên đời. Hướng cả niềm vui và nỗi buồn trong những chuyến lưu diễn. Ai đó cứ thử vào nghề của tôi mà xem, gọi là ma nhập, đồng ốp, là vị thần có cánh hoặc con quỷ có đuôi… gì gì cũng được, chỉ trừ là mình. Đúng, không còn là mình nữa.

Tôi thích lang thang.
Có lẽ vì tôi sinh ra trên một con thuyền trong chuyến tản cư về quê ngoại bằng đò dọc. Có lẽ vì tôi đeo nghiệp xướng ca. Có lẽ… vì nhiều lý do nào khác nữa mà tôi chưa biết đến. Nhưng tôi biết rõ rằng vì lang thang mà tôi đã nếm trải đủ chuyện tức cười và những điều buồn phiền trong các chuyến đi.

Mùa đông năm 1983. Trong chuyến về từ Praha, ở sân bay, tôi gặp gã bạn thân là vận động viên môn vật, một gã cơ bắp, mặt lúc nào cũng lừ lừ như muốn túm cổ áo người ta giằng giật rồi ngáng chân… hắn mặc bludông da, ngoài khoác chiếc măng tô bằng da, tay xách ca táp to, vai đeo mấy cái túi như đồ nghề phóng viên, túi nào cũng nhồi tròn cứng, dây đeo căng muốn đứt. Tôi vỗ vào bộ ngực đầy sắt thép của hắn thăm dò. Hắn ngừng nhai kẹo cao su nói khẽ, ra vẻ tự hào:

– Xích, líp, bi, moay ơ, lưỡi cưa thép… hai áo da nữa!

Cả một gia tài! Hắn đã lên gồng cái thân xác đô vật, mang hơn ba mươi cân mà đi đứng vẫn ra vẻ nhàn nhã, mặt mũi hả hê với cuộc hành xác tự nguyện. Tôi cũng vậy. ở phòng chờ, tôi đã phải lê những bước nặng nề, tay chân cứng đơ như một rô bốt.

Dù thế, tôi vẫn thích lang thang.

Bây giờ, ta có thể đi nước ngoài với chiếc va li nhỏ đựng vài bộ quần áo, tập thơ mỏng, ít đô đủ để nếm những loại rượu ngon, puôc boa cho các cô phục vụ và mua vài thứ su vơ nia. Trong phòng chờ ở sân bay, ta có thể ngả người trên ghế mềm, mắt đung đưa nhìn theo những cô đầm trẻ mặc váy ngắn, tưởng tượng ra những điều thú vị, miệng khẽ huýt sáo sai điệu một bài hát nào đó. Và ta không cần biết dây mai so, nồi áp suất, bi xe đạp… là gì. Tôi đã tận hưởng cái hạnh phúc ấy trong chuyến đi Tiệp Khắc gần đây nhất theo đoàn ca nhạc tạp kỹ, của một chương trình giao lưu văn hóa.

Vì thế, tôi càng thích lang thang.

Nhưng không phải tôi thích lang thang chỉ vì những niềm vui tôi đã gặp trong mỗi chuyến đi như đã kể trên. Mà sau này tôi thích lang thang còn vì một hy vọng rằng tôi sẽ được gặp lại Em. Tôi tin lý thuyết xác suất, và trái đất là hình cầu, như người ta vẫn nói. Nếu gặp lại Em lần nữa, tôi sẽ rẽ cuộc đời mình sang một hướng khác, dù hoàn cảnh có như thế nào đi chăng nữa.

Chuyến về từ Praha hôm đó, qua màn bụi trắng giá băng ngoài cửa sổ máy bay, tôi thấy trên cây cầu vượt vắng tanh bên nhà ga, một bóng người nhoè nhoẹt trong gió tuyết. Tôi nhìn bằng cảm giác và thấy mơ hồ khuôn mặt quen thuộc. Tim tôi thắt lại. Đến phút chót em mới đến sân bay. Em đến chỉ để nhìn theo chiếc máy bay mang tôi đi. Và chắc em nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ biết có cuộc tiễn đưa ấy. Nhưng tôi đã nhìn thấy em bằng linh cảm. Tôi chỉ muốn nhào ra khỏi máy bay, vứt lại tất cả mọi thứ xích, líp, bi, đũa, vải vóc… để ở lại với em. Nhưng không thể như thế được. Sẽ có bao nhiêu rắc rối, nếu tôi thực hiện ý định ấy.

Khi đêm xuống, máy bay cất cánh. Gió mạnh từng cơn dồn cuốn màn tuyết dày trên quảng trường thành hình thù một con thú lớn lông trắng đang vật vã vì đau đớn. Tôi vẫn thấy mơ hồ cái bóng nhoè nhoẹt xiêu vẹo ấy trên cây cầu vượt với bộ váy áo đỏ sẫm như một vết thương trên mình con thú tuyết khổng lồ kia. Cái bóng nhỏ nhoi trơ trọi tội nghiệp.

Máy bay lấy dần độ cao vượt thoát cơn gió tuyết. Tôi nhìn một lần nữa xuống kinh thành Praha cổ kính trong đêm với bạt ngàn đèn điện trên những đại lộ, dọc bờ sông Vi ta va, trải khắp ngọn đồi Stra hôp, lóng lánh đủ mọi màu sắc kỳ ảo của hồng ngọc, bích ngọc, mã não, hạt trai, bạch ngọc, kim cương… Và trong đám châu báu ấy có em – viên ngọc cô độc bất hạnh của tôi.

Em tên là Ngọc, Nguyễn Hồng Ngọc.

Thế là lần này đến Tiệp Khắc, suốt thời gian ở Praha, tôi đã không thể thư thái như đã tưởng. Nỗi buồn nặng trĩu như trọng lượng những thứ hàng hóa linh tinh mà tôi và gã đô vật đã cố mang theo trên người trong chuyến bay ngày ấy.

Mà thực ra những năm qua, có bao giờ tôi quên em. Ngay cả những lúc gào thét trên sân khấu những bài hát về cao nguyên nắng gió, giông bão, đắm mình trong dòng thác ánh sáng và âm thanh hỗn loạn, ngay cả những lúc uống bậy “ly coc tai tình ái” với một cô bé vũ công trong đoàn, hay với một nữ khán giả ái mộ cuồng nhiệt, tôi vẫn nhớ đến em.

Hẹn gặp ở quán Lính hầu Bi ba lúc sáu giờ tôi. Đó là câu quảng cáo gắn trước cửa ra vào, in trên miệng bìa tròn lọt vại bia, nhấp nháy trên mặt đứng của cái hầm rượu nổi tiếng Praha. “Có thể không biết Praha, nhưng không thể không biết Bi ba”. Có người đã nói thế, dĩ nhiên đó là một gã tửu đồ.

Anh lính hầu Bi- ba vui tính của nhà vua khi về vườn, đã mở một quán rượu. Quán Bi- ba rất nổi tiếng về những tiết mục tạp kỹ đậm chất lính tráng. Đến đó, phải đặt bàn từ trước.

Lần đến Tiệp trước ấy, ở quán Bi- ba, tôi đã được hưởng không khí của thời trung cổ trong một hầm rượu châu Âu. Những bước tường dày bả vữa một cách cẩu thả, ám khói, đầy những hình vẽ của những gã lính say rượu không hề học hội họa: trái tim bị xuyên thủng, tiên cá, thuyền buồm cổ, đại bàng… và những vết bẩn do những cốc rượu bị ném vỡ trong những cuộc ẩu đả, xem những dòng chữ nguệch ngoạc viết bằng than, phấn màu, son môi… với các thứ tiếng. Dưới ánh trăng chập chờn của những ngọn nến, tôi tìm thấy một dòng tiếng Pháp: “Anh không biết ngày mai sẽ ra sao. Vậy thì hôm nay hãy uống say đi!”. Và: “Ta, tướng cướp Đuy- boa, đã say mèm ở đây sau khi đánh chìm hạm đội của vua Phéc- đi- năng đệ ngũ”. Rất ấn tượng và gợi cảm; nhưng chẳng ai hoài hơi lục tìm trong lịch sử một gã cướp biển Đuy- boa hay ông Phéc- đi- năng đệ ngũ vì đó chỉ là cách trang trí của mấy tay họa sĩ thời nay.

Như những quán rượu cổ, Bi- ba có các ca công vui tại bàn. Bỗng nhiên lửa bùng lên. Lính cứu hỏa chạy rầm rập. Khách nhốn nháo. Sau mới hiểu, mấy tay nấu bếp đội mũ lính đầu rồng trình diễn hài kịch “Lửa cháy đổ dầu thêm” để quay chín một con thỏ bằng rượu mạnh, ngay trước mặt khách.

Tôi không mấy hào hứng vì những trò như thế, cho đến khi một nhạc công mang phong cầm xuất hiện chơi một giai điệu phóng khoáng, lôi cuốn. Theo sau là cô gái tóc đen buông xoã, lông mày kẻ đậm, da hơi sẫm màu, tai đeo vòng, mặc váy dài nhiều nếp màu đỏ. Tôi huých khẽ anh bạn cùng đoàn:

– Nhìn kỹ đi! Di- gan bằng xương bằng thịt đấy, những người nghệ sĩ giang hồ lừng danh! Những kẻ bị Chúa đầy đoạ suốt đời lang thang, bị xua đuổi khắp nơi, nhưng lại được Người ban cho phúc lớn là có những tài năng phi thường bẩm sinh. Những con người duy nhất biết nhào trộn niềm vui với khổ đau thành một thứ bánh thánh để nuôi dưỡng thể xác và tâm hồn. Những kẻ…

VN88

Viết một bình luận