VN88 VN88

Xót xa này sẽ đi về đâu

Truyện ngắn xót xa này sẽ đi về đâu do Truyendammy.vip sưu tầm đọc truyện ngắn xót xa này sẽ đi về đâu.

Xot xa nay se di ve dau

Xem truyện ngắn: Xót xa này sẽ đi về đâu

Tác giả: Pensee-Dalat

Kính dâng hương hồn Cha tôi
15.03.2009 (19.02.Kỷ Sửu)

Cách đây ba năm cha tôi bị ngã nhẹ khi ông sống một mình trong căn nhà với vườn cây, ao cá vây quanh. Sau lần đi cấp cứu đó, cha tôi không còn đi lại được như trước nữa, bác sĩ bảo cha tôi bị tai biến và khuyên không được để cha tôi sống một mình. Chị em chúng tôi bàn nhau đưa ông về ở nhà cô em gái goá chồng đã mười năm nay ở quận năm cho tiện đường đi lại và săn sóc.

Những lần về thăm nhà nhìn cha tôi ngồi trên chiếc xe lăn hoặc nằm miết trên giường, trở người qua lại khó khăn, lòng tôi nghe xót xa lắm, có muốn đi du lịch cùng với các con cho chúng biết phong cảnh quê nhà, chẳng lẽ cứ ngồi nhà hết ra lại vào, hết ăn lại uống, chuyện trò mãi cũng không còn gì để nói nữa. Nhưng nhìn cha, tôi lại ngại không muốn đi. Trên gương mặt của ông – người có thời tung hoành ngang dọc và tháo vát – mang nét đau khổ và buồn rầu khi nhìn mình giờ chỉ còn là một khối nặng nề, luôn chờ đợi bàn tay của đứa con gái có số phận hẩm hiu nhất trong gia đình phụ giúp. Chị em tôi, những đứa ở xa, hàng tháng chung tiền đưa cho cô em, coi như trả công nuôi cha già bệnh tật, vừa tạo thêm thu nhập cho cô được vui. Tiền ăn xài của cha mẹ tôi đã hơn chục năm nay do những „khúc ruột ngàn dặm“ gửi về đều đặn, các em tôi ở nhà chẳng phải chi một xu nhỏ nào, chỉ cần sáng thăm tối viếng là đủ.

Cha tôi sống ở nhà con gái được một năm thì đòi về ở với con trai út của ông ở Gò-Vấp. Tuy bệnh tật nhưng ông vẫn biết ngại ngùng khi bạn bè, khách khứa của con gái và cháu ngoại đến nhà chơi mà ông thì nằm ở chiếc giường kê ngoài phòng khách. Không muốn ai nhìn thấy „thời oanh liệt“ của mình nay đã hết, cha tôi nhất định không ở với con gái nữa. Chị em tôi lại sắp xếp nhà cửa, dành riêng cho ông một phòng tiện nghi, cậu em út phải nghỉ việc ở nhà trông nom cha tôi cho được chu đáo, tiền hàng tháng biếu cậu còn cao hơn lương đi làm ở hãng. Em trai tôi săn sóc cha tôi rất kỹ lưỡng, ông khỏe lên trông thấy. Khi còn ở nhà quận năm, ông không được con gái tập đi nên nhìn ông không nhanh nhẹn, sống với con trai ông đi lại được một chút nhờ cậu em kiên nhẫn tập luyện cho mỗi ngày. Về thăm mới thấy việc chăm sóc người già bệnh tật không đơn giản chút nào. Em trai tôi có lúc cũng mất kiên nhẫn, lớn tiếng với ông, thế là ông cho nghe „liên khúc…chửi“ điếc tai luôn !. Em tôi bảo ông già khó tánh lắm, nhất là biết mình được hưởng „chế độ chăm sóc đặc biệt“, có nguồn „tài trợ“ từ nước ngoài nên hay đòi hỏi quyền lợi lắm!. Chẳng hạn ông đòi đưa ông đi về cửa hiệu quen gần nhà ông trước đây để được anh thợ cắt tóc cũ lấy ráy tai, cạo râu và cắt tóc chứ nhất định không chịu để con trai làm việc đó. Lần về thăm năm đó, tôi thuê xe taxi đưa cha tôi về thăm nhà cũ, vườn xưa cây cỏ mọc um tùm, lấp cả lối đi. Mặt ông hớn hở hẳn lên, láng giềng kéo đến thăm hỏi khiến ông vui ra mặt, lại tính đòi về ở luôn đấy khiến tôi phải một phen „thuyết trình“, hù dọa những nguy cơ ông sẽ gặp nếu sống một mình ở nơi xa xôi mà con cái không thể nào theo nổi.

Làm mặt giận, ông im ru đi ra taxi neo chờ cả tiếng ở ngoài rồi lạnh lùng bảo đưa ông đến tiệm cắt tóc quen cho ông được „làm đẹp“ một lần. Nghe nói, tôi thấy thương cho cha tôi quá. Cả đời vất vả làm lụng nuôi vợ và một đàn con chín đứa, đã có thời „lên xe, xuống ngựa“, sướng khổ bao phen nhưng chưa có phen nào cha tôi khổ và bất đắc chí bằng thời gian sau năm Bảy lăm. Cơ nghiệp mất trắng lần tư sản bị đánh tơi bời, người cha tôi gầy rạc đi khi nhà cửa, xe cộ lần lượt đem bán dần, lấy tiền nuôi con. Lần thứ hai cha tôi thất thểu trở về nhà sau gần một tháng trời đưa ba đứa con đi vượt biển thất bại, tóc cha tôi trắng muốt sau lần bị gạt ấy. Biết cha mẹ phải trải qua nhiều vất vả cũng như buồn phiền của thời cuộc, đất nước tai ương nên lúc chị em tôi, đứa thành công chút đỉnh khi đến được xứ sở tự do, đứa còn long đong nơi xứ người, đều chung một ý nghĩ và quyết tâm trả ơn cha mẹ, bù đắp lại những nhọc nhằn, mất mát, lấy lại thanh danh cho gia đình mà trong những năm sa cơ thất thế, cha mẹ và chúng tôi đã biết rõ ân tình, lòng dạ của từng người thân và bè bạn…

Bao nhiêu năm sau chuyến đào thoát phiêu lưu năm Một chín tám mươi là bấy nhiêu năm cha tôi sống xa vợ con, sự vắng mặt của ông lẫn vào cuộc sống, vào nỗi nhọc nhằn bương chải kiếm sống của từng đứa con, có lúc chúng tôi không nhớ mình còn một người cha thân yêu đang sống ở chốn trời xa, khỏe yếu thế nào. Chỉ những đêm khó ngủ, trằn trọc hay suy nghĩ về cuộc sống khó khăn, về những bất công của xã hội mới, thì hình ảnh cha già mới hiện ra, lòng nghe xốn xang như muối xát, lập tức ngày hôm sau nhắn một đứa em thất nghiệp, đưa một ít tiền, bảo mua một số vật dụng, đi tìm và đem cha về thành phố. Chẳng ngờ cha tôi chán đời, buồn nhân tình thế thái, ông đến Kiên Lương, một vùng thuộc Hà Tiên – Rạch giá sống ở đó mấy năm. Một lần em trai tôi đi thăm, về nói cha tôi ban ngày ra đảo lang thang như tìm kiếm ai đó, tối mịt theo ghe đánh cá về đất liền. Mấy năm đó cha tôi tuy sống xa gia đình nhưng được ở vùng biển, khí hậu tốt và nhất là được ở gần và làm bạn với những người dân chài, cha ăn uống đạm bạc, trông rắn rỏi, đen đậm nhưng khoẻ khoắn hơn.

Khi mấy chị em tôi đã ổn định nơi xứ người và có công việc làm ăn, buôn bán lâu dài, chúng tôi biên thư về nhà cho mẹ và các em bảo cố thuyết phục cha tôi trở về thành phố. Chúng tôi đã có khả năng để đem lại cho gia đình một cuộc sống vật chất đầy đủ, chỉ mong cha mẹ tôi được an hưởng tuổi già.

Năm Một chín chín hai cha tôi rời Kiên Lương về Sàigòn, và với những món tiền chúng tôi gửi về trợ giúp, ông đi khắp cùng thành phố, ra ngoại ô tìm mua những thửa đất mà theo ý cha tôi, sau này sẽ „biến“ thành vàng ! (mà quả là như vậy, hiện nay đất ở VN toàn tính ra vàng cả !). Ông làm cho mình một căn nhà lợp lá để ở nhưng rất tiện nghi như nhà tường với sân vườn quanh năm mát mẻ, chị em, con cháu cuối tuần có dịp „về quê“ thăm ông ngoại rất thú vị, không khí yên vui lại từ từ trở về với gia đình cha mẹ chúng tôi.

Sau một năm rỡi sống gần mẹ tôi, vợ chồng con trai út và hai thằng cháu nội kháu khỉnh, cha tôi lại bị tai biến lần nữa. Lần này nặng hơn : Tay chân đơ cứng, lưỡi thụt vào trong, nói năng rất khó khăn, các bộ phận điều tiết không còn tự điều khiển được nữa. Ăn uống khó nhọc nhất là những thức ăn cứng, dai, vì thực quản bị teo dần nên em trai tôi phải xay nhuyễn các thứ đã nấu, thành một hỗn hợp lỏng rồi đút cho ông ăn mà vẫn còn khó nuốt. Việc vệ sinh, tiểu tiện có nhìn mới biết khó khăn muôn phần và chỉ có con trai mới làm tốt được. Em trai tôi đã làm hết sức của nó để cha tôi lúc nào cũng sạch sẽ, tươm tất, nhất là những lúc có anh chị ở xa về. Nhìn cậu em râu tóc còn dài hơn cha già, tôi biết công việc cũng khiến cậu ta „phê“ lắm, điều lạ ở cậu em qua giọng nói của cậu có duy nhất một tông…“ré“, cậu nói chuyện với cha bằng giọng lớn quá, thỉnh thoảng còn nói những từ rặt kiểu „bộ đội“ nghe chướng tai hết sức, hỏi thì cậu biện hộ biết cha ghét, nhưng muốn cho não của cha hoạt động thì phải nói như vậy – cha sẽ phản ứng – mới tốt. Nghe lạ kỳ và phản khoa học quá nhưng tôi cũng không muốn hỏi thêm chỉ sợ tự ái của cậu ta cũng…dồn cục, kể công khó nhọc trông nom cha rồi giận lẫy buông xuôi, không kham nữa, cha không có ai chăm sóc thì chúng tôi ở xa sẽ không an tâm mà đi cày được. Ðôi lúc tôi lo, lỡ cha tôi nghĩ ông bị con trai la mắng rồi tức giận hay buồn bực, bệnh dễ tái phát hơn, những người nuôi bệnh trong nhà thương cũng lấy làm lạ, không hiểu tại sao con trai nói chuyện với cha sao mà lớn giọng đến vậy. Họ có biết đâu mẹ tôi bị nặng tai hơn chục năm nay (có gen), nên chị em chúng tôi đều phải nói lớn bà mới nghe được dù đã có máy trợ thính. Dần thành thói quen, với cha cũng nói lớn, mà ông thì tự ái cũng cao nghều nghệu, liệu có làm cha tôi phiền lòng ?. Thật là khó, mỗi lần về nhà là mỗi lần phải phân tích tỉ mỉ tâm lý các cụ cho cậu em được rõ, kẻo chỉ biết săn sóc (sinh lý), mà không hiểu tâm lý thì cũng không xong.

Vừa trở sang Ðức đi làm được hai tuần thì em tôi gọi qua báo chắc cha tôi không qua khỏi lần này. Thật là khổ tâm hết sức ! Thời buổi khó khăn, hãng xưởng cho thôi việc hàng loạt, làm sao tôi dám xin nghỉ để về nữa đây ?. Tôi vào chỗ làm hồn vía để đâu, lòng dạ buồn rười rượi. Mấy đứa em bên Úc sắp kéo nhau về, tôi nói „cứng“ với tụi nó :“ – Nếu cha không qua khỏi, mấy đứa cứ lo hậu sự cho cha đi, tao sẽ về sau, đành vậy thôi“. Chẳng ngờ, sếp của tôi biết chuyện, trợn tròn mắt hối thúc tôi phải về ngay để kịp nhìn thấy cha tôi trước lúc lâm chung (dù tôi mới nhìn thấy ông gần cả tháng trời). Tôi nghệch mặt ra nhìn sếp, lòng muốn đi mà ngán bị mất việc nên còn lưỡng lự thì ông ta đã sua tay cam đoan sẽ cho tôi được hưởng loại phép đặc biệt của hãng.

Khoảng ba giờ chiều ngày hôm sau tôi đã về đến VN. Tính gọi taxi một mình về nhà cất hành lý rồi vào ngay bệnh viện thăm cha thì đã nhìn thấy ba đứa em vẫy tay gọi tên tôi rối rít ở cửa sân bay. Tôi nhận ra cậu em đã mười chín năm chưa gặp lại. Em trai tôi già đi, đầu hói và râu tóc bạc gần hết. Chị em ôm nhau mừng tủi một lúc liền lên xe đi thẳng vào bệnh viện nơi cha tôi đang nằm hấp hối như thể đang chờ đợi chúng tôi về đông đủ mới ra đi.

VN88

Viết một bình luận