VN88 VN88

Ở xóm cô Chí

Truyện ngắn ở xóm cô Chí do Truyendammy.vip sưu tầm đọc truyện ngắn ở xóm cô Chí.

O xom co Chi

Xem truyện ngắn: Ở xóm cô Chí

Tác giả: Mùa Thứ Năm

Chuyện sau đây hoàn toàn là lời của ba tôi từ cuốn nhật ký của ông. Tôi đã xin và được phép viết lại thành văn xuôi.

Gia đình tôi bây giờ chuyển tới Đà Nẵng sinh sống. Lúc trước quê tôi ở Huế, hay còn xa hơn Huế nữa cơ, tôi không biết chỗ đó bây giờ gọi là gì, vì lúc tôi ra đi, nó vẫn chưa được đặt tên. Tôi chỉ quen miệng và gọi đó là xóm cô Chí. Nguyên nhân chúng tôi hay gọi như thế bắt nguồn từ tên của một cô giáo. Tôi đã từng học cô giáo đó. Cô Chi.
Vùng quê nghèo lam lũ có rất ít giáo viên. Hầu hết những giáo viên ra trường đều xin được làm việc trên thành phố, không thì cũng xin dạy ở chỗ nào đỡ cực một tí cũng tốt. Cái xóm nghèo đến bần cùng khố rách quê tôi thì chả ai dại gì xin tới dạy. Dẫu có muốn đến thì cũng chẳng ai biết chỗ mà chỉ đến. Mà nói nào ngay, làm gì có trường để mà dạy…

Bà con xung quanh đã góp tiền, góp gạo, chính quyền địa phương cũng thương lắm, cố gắng tạo điều kiện để xây cho tụi con nít chúng tôi một cái trường nhỏ. Nhưng cái thời đó, đất nước đã nghèo, quê chúng tôi còn nghèo hơn. Cố lắm cũng chỉ trích ra cỡ gần trăm đồng bạc. Mấy ông xã lớn thuê người xây một cái nhà gạch gần sát dưới cái đồi hoang, đóng bàn đóng ghế, lắp một cái bảng tự tác, thế là cũng được một cái trường. Không ai đặt tên cho ngôi trường, người lớn nghĩ không cần, bọn trẻ chúng tôi lúc đó cũng chẳng biết nghĩ ra cái tên nào hay hay để đặt. Thành ra, cứ thế mà đến học. Nhưng xây được trường rồi thì giáo viên ở đâu ra? Đáng lẽ có một ông giáo già đã hứa đến dạy, nhưng mà chưa kịp xây xong trường thì ông đã đột ngột qua đời. Vậy là sau khi thành lập, trường bị bỏ hoang một thời gian, cho đến khi tôi được mười tuổi rưỡi.

Bọn trẻ chúng tôi thèm đi học ghê gớm, lúc nào cũng mó tay mó chân, làm hết việc này đến việc kia, đứa nào xấp xỉ cỡ tuổi tôi cũng mong được cấp sách đến trường. Khi hay tin cái trường xây xong, chúng tôi mừng rơn. Tôi nhớ có cái thằng Ba nhà hàng xóm cứ rỉ tai tôi miết, lúc nào cũng thúc tôi chạy tạt qua trường nghía thử vài cái. Trời đất cái thằng! Trường học mà nó làm như đồ triển lãm không bằng, đến là khổ. Nhưng mà tôi cũng thế chứ có hơn gì nó, tôi cũng thèm được “nghía” cái trường một phát. Ngày nào cũng phải nghía thì mới ăn cơm ngon được. Ghê thế cơ chứ!
Vậy là chúng tôi thấp thỏm chờ được người lớn gọi đi học. Nhưng mà ngày này qua ngày khác, chúng tôi đợi như mèo đợi chuột, đợi đến mức cái cổ muốn dài ra như cổ cò…Vậy mà chẳng thấy ai bảo đi học cả. Rồi đến một đêm, mẹ tôi bảo có cô giáo đó về xóm mình dạy học, tôi sướng ơi là sướng, rốt cục thì cũng được đi học, sướng!
Trong tâm trí tôi, cô giáo đẹp ghê lắm, hoặc là phải có gì lạ lắm. Tại vì gọi là “cô giáo” nên cái người dạy học đó buộc phải là cô gái. Tôi đinh ninh là thế. Nhưng sang ngày mai đi học thì tôi mới chưng hửng, hóa ra “cô giáo” là một bà dì già cỡ mẹ tôi. Trời đất, vậy mà tôi cứ nghĩ cô giáo thì phải trẻ ghê lắm chứ. Hôm bữa đó đi học, ngoài tôi ra còn có hơn chục đứa. Cô giáo tự giới thiệu tên cô là Chi, Nguyễn Thị Chi. Có đứa nghe lộn, bảo là trên đầu cô có chí thì đưa con bắt cho, gì chứ bắt chí con rành nhất. Cô cười bảo không phải, mà tên của cô là Chi. Thế là cả lớp cười ầm lên. Vài bữa sau nghe mẹ tôi kể, tôi mới biết, cô đây là nhà giáo giỏi ở trên phố lớn, tình nguyện về đây dạy. Mẹ tôi lúc đó cứ thắc mắc mãi. Tại sao cô đó là nhà giáo đạt danh hiệu giỏi mà tự dưng đòi đến đây dạy cho khổ thân không biết? Mẹ tôi không hiểu, tôi còn không hiểu hơn. Nhưng mà thôi, miễn sao là được đi học, kệ hết!

Cô Chi dạy cho bọn tôi học rất là vui. Cả cô lẫn trò đều nhiệt tình. Cô bắt đầu chỉ từng cái. Tôi thấy mấy cái chữ với mấy con số cái thì tròn, cái thì dẹt, chả hiểu gì hết. Ấy vậy mà tôi cũng ráng thuộc. Cô Chi dạy rồi ở hẳn luôn trong xóm, cô không có chồng cũng chẳng có con cái. Ban ngày cô dạy, ban đêm cô ghép bàn lại làm giường nằm ngủ. Hồi đó, thỉnh thoảng chúng tôi cũng hay tạt qua “nhà” cô chơi. Mẹ chúng tôi thường gởi cái này, cái kia cho cô, nhiều nhất là trái cây, hoặc bánh tráng. Ba tôi bảo cô tội, cho gì cũng nhận. Chắc là tại nhà quê tôi thiếu thốn dữ quá, cô ăn cho quên sầu.

Thế là có trường, có cô. Nhưng mà để đi học cũng không phải dễ. Mình đi học thì ai đi làm, hồi đó chả ai dám coi thường con nít bọn tôi, nhiều khi con nít làm còn kinh hơn người lớn. Bọn chúng tôi muốn lắm nhưng mà cứ phải làm việc liên tục, rảnh rỗi mới đến được trường. Cô Chi cứ bảo chúng tôi nên coi trọng việc học hơn. Học mới quan trọng, còn mấy việc khác đã có người lớn lo. Vậy mà có đứa ngô nghê hỏi cô “thế người lớn kiếm ra người lớn ăn, bọn em không làm lấy gì bỏ bụng hở cô?” Cô lúc đó chỉ cười mà không nói, nhưng mà tôi thấy mặt của cô cứ buồn buồn. Công nhận cô giáo khác hẳn người dân quê tôi. Khuôn mặt lúc nào cũng biểu lộ cảm xúc, còn tôi chỉ thấy mấy người xung quanh cứ nhắm mắt nhăn răng mà làm miết, chả buồn, chả khóc bao giờ.

VN88

Viết một bình luận