VN88 VN88

Cùng xây ước mộng

Truyện ngắn cùng xây ước mộng do Truyendammy.vip sưu tầm đọc truyện ngắn cùng xây ước mộng.

Cung xay uoc mong

Xem truyện ngắn: Cùng xây ước mộng

Tác giả: Nguyễn Thế Hoàng

Suốt buổi sáng chúa nhật hắn cứ lè nhè bên vợ hắn. Nét mặt hắn buồn hiu thảm bại. Hắn cảm thấy chán nản, bất lực. Chưa bao giờ hắn bực bội trước nét mặt lạnh lùng của vợ mỗi lần hắn nói.
Người chi mà khó ưa quá. Bằng lòng, không bằng lòng, cứ nói, sao lại lặng thinh như thế. Hắn không chùng bước. Hắn luôn nhẫn nại và nhẫn nại. Hắn kiên trì thỏ thẻ bên tai vợ hắn đang ngồi chăm chú đọc sách trên sofa : Em bằng lòng cho anh mua computer nhen em ? Hắn thỏ thẻ lập đi lập lại đôi ba lần câu nói mà hắn đã phát âm từ mấy ngày nay với vợ.
Vợ hắn bĩu môi, im ỉm, giả tảng như không nghe, không biết, không hiểu. Hắn lập lại câu nói một lần nữa. Đột nhiên, vợ hắn vứt quyển sách xuống bàn cau có :
– Mấy hôm nay anh cứ lãi nhãi với em chuyện gì không đâu. Bực mình ghê đi. Anh có để cho em yên không ?
Nghe vợ nói, hắn mừng rỡ, cười ruồi :
– Anh xin lỗi. Anh chẳng làm phiền em điều gì. Anh chỉ xin em bằng lòng cho anh mua cái computer thôi mà.
– Để làm gì ? Vợ hắn gay gắt.
– Anh muốn có một computer để đọc và viết.
Vợ hắn bĩu môi :
– Đọc và viết ! Hừ !! Nhà sách báo tràn lan ra đó. Tuần nào anh cũng ra phố ôm về cả chồng báo chợ. Sách thì cứ mua hết quyển này đến quyển khác. Mua về để đầy trên ngăn sách nhưng em đâu hề thấy anh đọc, lâu ngày bụi bám đầy, sinh sản từng ổ dán, đẻ trứng như vãi cát, trông ghê ơi là ghê ! Còn viết…
Vợ hắn cười hì hì chọc quê :
– Viết ! Viết ! lúc nào em cũng nghe anh nói anh viết… viết và viết, mà chẳng thấy gì. Anh viết một bức thư gởi người thân cũng chẳng ra hồn. Thảo lá đơn xin việc làm lúc còn ở quê nhà cũng trật lên trật xuống, sửa tới sửa lui câu cú không chỉnh. Vậy mà cứ đòi viết…viết cái gì hả..? thật là khổ cho ông chồng của em ghê đi !
Hắn không nản, cố gắng bào chữa :
– Em biết không ? Hồi trước khác, giờ khác đấy mà. Viết thư, làm đơn gì đó là chuyện nhỏ, ai lại chẳng làm được. Tại anh chẳng dốc lòng làm. Còn viết ! hà hà ! Em biết anh viết gì không ? Viết văn, làm thơ đấy, em ơi ! Anh đang khởi sự làm chuyện lớn. Em nào đâu biết viết văn, làm thơ là gì ? Viết cho người ta đọc đâu phải là chuyện dễ mà cũng chẳng phải là chuyện đùa. Người đọc sẽ tiếp nhận những tư tưởng lớn, những kiến thức uyên bác của mình để họ học hỏi, mở rộng tầm hiểu biết của họ mà em.
– Ghê gớm thế à ? Anh chỉ thích nói dóc thì có. Bấy lâu nay em thấy anh vẫn viết và viết…rồi chẳng thấy gì cả. Hắn tìm cách chống chế :
– Tại anh chưa đủ phương tiện thích nghi công việc… em biết chứ ?
Vợ hắn cười mủi :
– Viết mà cũng cần đủ phưong tiện thích nghi. Phương tiện thích nghi là gì thế ? Vĩ đại như thế ư ? Em nghe nói mấy ông nhà văn, nhà thơ đa số ông nào cũng nghèo tả tơi, họ sống rất đơn sơ bình dị, vậy mà họ vẫn thành danh. Họ đâu có gì gọi là phương tiện thích nghi như anh mơ ước. Họ chỉ cần cây viết và tập giấy thôi đấy mà.
Đúng ! Vợ hắn nói đúng. Ngày trước hắn cũng nghĩ thế. Chã có gì là khó khăn, rườm rà. Hắn nghĩ viết văn, làm thơ dễ ợt, chẳng cần gì thêm ngoài cây viết và tập giấy. Chẳng chần chờ, hắn khởi sự đi vào sự nghiệp lớn. Rồi khoảng hai năm đằng đẳng sau đó hắn đã cất công rị mọ, dùi mài, ngày rồi đêm, tháng này tháng khác liên lũy để cho ra đời những bài văn ngắn ngủn, những bài thơ con cóc thật đắc ý…đưọc chép tay rất ư là cẩn thận để gởi đi các tòa báo lớn khắp nước, kể cả các nước khác trên trái đất này. Mỗi bài như thế, hắn gởi nhiều tờ báo cùng khắp. Khoản chi cước phí thư bảo đảm cũng không nhỏ. Hắn phải cần kiệm bớt nhưng chi tiêu vặt để bù vào mục này. Gởi đi…và hằng ngày hắn ngồi chờ tin vui. Chờ và chờ đến năm bảy tháng sau cũng chẳng thấy tăm hơi gì. Sao lạ lùng thế ! Hắn tức tối làm sao ! Nhưng hắn không nản. Hắn tiếp tục gởi lại lần hai… lần ba…và có bài hắn gởi đến lần thứ tư không biết chán. Hắn luôn xin ơn trên phù hộ cho bài của hắn được lên mặt báo là hắn nghiễm nhiên trở thành nhà văn lớn, nhà thơ lớn của thời đại.

Sự chờ đợi của hắn cứ thế dài ra không một phép lạ nào hãm lại được. Đến lúc bực mình chịu hết nỗi, hắn chửi thề lung tung rằng người đời sao quá ư hẹp hòi, ích kỷ không nhận thức được văn tài của mình.

Một hôm, may thay hắn đọc được trả lời của một tờ báo lớn trong Hộp Thư Bạn Đọc – bảo rằng “Thơ và Văn ” của ông chưa đạt tiêu chuẩn, chưa đạt chất lượng và cũng không thích hợp lập trường, quan điểm của tờ báo. Đồng thời đề nghị bài viết của ông phải đánh máy gởi qua email hoặc diskette.

Tòa soạn không nhận bản thảo viết tay. Hắn nhủ thầm, mấy ông làm báo này đã coi thường văn, thơ của mình. Lấy cớ này cớ nọ rắc rối, làm khó dễ, hoạnh họe không tưởng. Viết được một tác phẩm tốn bao nhiêu là ngày và đêm, công sức đổ ra, tiêu đi bao nhiêu là cà phê, khói thuốc lá mù mịt căn phòng, quên ăn, mất ngủ, thức trắng đêm, mệt phờ người mới có được, chứ đâu phải chuyện đùa, mấy ông có biết không ? Có sẳn bài để đăng báo hốt bạc, khỏe re như bò kéo xe, mà không thông cảm cho tác giả.
Mặc dầu thỉnh thoảng hắn bị loạn tinh thần như thế, hắn vẫn không nản chí. Hắn tiếp tục gởi bài. Hắn tiếp tục nhẫn nại chờ. Giờ hắn quay sang gởi bài cho các báo chợ. Tại địa phương cũng đang có những tờ báo chợ chuyên đăng quảng cáo thương mại in ấn trang nhả, đẹp mắt và những bài viết “nguội” góp nhặt từ nơi này nơi khác nhét cho đầy tờ báo. Có bao nhiêu bài là hắn gởi hết cho các báo chợ tại địa phương. Gởi rồi chờ đợi. Đã gọi là báo chợ, báo lá cải, lá sung, lá mít, lá vông…cũng là báo, nhất định là họ không kén chọn đâu. Có phải là lá cải, lá vông…cũng chẳng sao. Miễn sao bài được đăng lên mặt báo, giấy trắng mực đen, được nhiều người khắp bốn phương trời đọc, thưởng ngoạn tài năng văn học của mình là khoái rồi. Tư tưởng uyên bác cao siêu của mình được tung ra khắp nơi, đang được mọi người đọc, tiếp nhận một cách chân tình và trang trọng.
Báo chợ thì dễ thôi, nhất định họ nhận được bài là họ đăng ngay. Đọc những bài thơ, bài văn trong báo chợ, hắn nhận thấy chẳng xứng đáng để đăng. Thua, thua xa văn thơ của mình lắm lắm mà. Nhận xét của hắn không thiên lệch cao ngạo theo kiểu văn mình vợ người. Hắn nghĩ thế để tô dày niềm hy vọng, tạo nghị lực phấn đấu chờ đợi. Sự chờ đợi bấy lâu như được tôi luyện thành một bản năng sinh tồn cho sự nghiệp viết lách của hắn. Mãi rồi thành thói quen không còn cảm giác khó chịu và mệt mỏi nữa.

VN88

Viết một bình luận